Sử dụng hình ảnh bác sĩ để ‘quảng cáo láo’ cho thực phẩm chức năng: Phải nghiêm trị

Đối với lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, thì việc quảng cáo thổi phồng công dụng quá mức, còn nguy hiểm hơn nhiều các lĩnh vực hàng hóa khác, vì đây là mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân. Gần đây, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước nhằm quản lý chặt chẽ về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm, để đảm bảo cho người dân không dính vào những bẫy lừa mang tên thực phẩm bảo vệ sức khỏe (BVSK).

Cụ thể, tại Điều 7 trong Thông tư số 09/2015/TT-BYT ghi rõ: “Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm”.

Khoản 3, Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP “Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo” năm 2012 cũng quy định rõ: Phải khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc…

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn luật an toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Thế nhưng, Luật pháp quy định là vậy, vẫn có rất nhiều đơn vị đã bất chấp, chạy theo lợi nhuận để quảng cáo thổi phồng công dụng, khiến nhiều người dân vì nhẹ dạ, vì thiếu thông tin mà bị dính bẫy lừa, tiền mất tật mang.

Chúng tôi xin lấy ví dụ về sản phẩm Bách Giáp Vương, do Công ty TNHH Win Grown Việt Nam (Cty Win Grown Việt Nam), có địa chỉ tại Tầng 2, số 23 ngõ 178 Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống đa, Hà Nội, chịu trách nhiệm công bố lưu hành, người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Hoàng Yến.

Đơn vị sản xuất là Công ty cổ phần dược phẩm Bảo Nguyên, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng Văn I, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Mặc dù sản phẩm Bách Giáp Vương chỉ là thực phẩm BVSK, được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4246, ngày 12/5/2021, và Giấy xác nhận quảng cáo số 3604, ngày 23/12/2021, trong đó ghi rõ sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

z3508921697994-8f57001c5af1b45cff9728b85a3e5b2d-1655794851.jpg
Bách giáp vương, chỉ là thực phẩm chức năng, không có công dụng như thuốc chữa bệnh

Nhưng bằng nhiều chiêu trò quảng cáo, họ đã biến công dụng sản phẩm này như thần dược “trị dứt điểm các loại bệnh u”, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Cụ thể, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện tràn lan các thông tin hình ảnh, clip quảng cáo sản phẩm Bách Giáp Vương, trong đó, một người đàn ông đã mạo danh BS Bùi Đức Hán, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thái Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam.

Trong các clip quảng cáo, nhân vật này nói Bách Giáp Vương là bài thuốc, có thể điều trị dứt điểm các loại bệnh u nang, u tuyến giáp, u xơ tử cung... Vị này còn nhấn mạnh, ung thư thì tôi không chữa được, nhưng các loại bệnh u thì tôi chữa được hết, sau đó vị này đưa sản phẩm Bách Giáp Vương ra nhấn mạnh bài thuốc này để tạo lòng tin với người bệnh.

z3508921663699-c24023b7904f6cba02a3e5c8df736d77-1655794851.jpg
 Đối tượng mặc trang phục y tế mạo danh TS-BS Bùi Đức Hán để "quảng cáo láo"

Ngoài mạo danh bác sĩ quảng cáo thổi thực phẩm BVSK Bách Giáp Vương thành thuốc đặc trị, thì còn xuất hiện nhiều người lợi dụng hình ảnh bác sĩ quảng cáo cho cả những sản phẩm cao thuốc chữa bệnh chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm và cấp phép.

Điển hình là sản phẩm Cao vị nhân, một sản phẩm được quảng cáo rầm rộ là cao thuốc đặc trị các loại bệnh u xơ, u nang, u tử cung…. Sản phẩm này được sản xuất bởi Cty cổ phần đông dược Đại Phú, có địa chỉ tại số nhà 101, tổ 3, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Đơn vị phân phối độc quyền là Cty TNHH Dược phẩm Nhân Tín, có địa chỉ tại số 27, lô 4A, Trung Yên 10, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sản phẩm này được bán với giá lên đến 650.000 đồng/hộp và được phân phối online trong toàn quốc.

a-mam00-06-59-04still013-1655798324.png
Tuy là thực phẩm chức năng, nhưng sản phẩm Cao vị nhân đượcc rao bán trên thị trường với giá lên đến 650.000 đồng/ hộp 1 lọ và 1.750.000 đồng/ hộp 3 lọ

Chỉ cần đánh chữ “Cao vị nhân” lên thanh công cụ tìm kiếm, sẽ xuất hiện hàng loạt clip quảng cáo cho sản phẩm này với những người tự xưng là bác sĩ đại tá Nguyễn Hòa Lan, bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Vân, bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, bác sĩ Nguyễn Xuân Quang…

Mặc dù những người tự xưng bác sĩ này hết mực tung hô sản phẩm Cao vị nhân như một loại thần dược điều trị bệnh u, nhưng theo tìm hiểu của PV, thì sản phẩm này chưa được bất cứ cơ quan chức năng nào từ cấp trung ương tới địa phương kiểm định chất lượng và cấp phép quảng cáo. Ngay cả mã đăng ký sản phẩm trên bao bì của dòng sản phẩm này cũng có dấu hiệu làm giả, bởi chúng tôi tra cứu trên các trang quản lý thông tin của ngành y tế đều không cho ra mã số đăng ký lạ này.

z3508921624312-34a6b89fe541fcdd750d83a60adbad19-1655794850.jpg
TS-BS Nguyễn Thị Sơn giới thiệu, quảng cáo sản phẩm Cao vị nhân

Bác sĩ, là những người đóng vai trò chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, họ phải giữ lời thề y đức, mà đi quảng cáo sai sự thật, vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm BVSK, thì cần xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí loại khỏi ngành.

Theo khoản 5, Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Cục An toàn thực phẩm từng xử lý nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe vì hành vi quảng cáo sai sự thật để bẫy người bệnh, thể hiện sự coi thường pháp luật, coi rẻ sức khỏe và tính mạng của người dân.

Các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cũng cần lên tiếng để có hình thức cảnh báo, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Người dân cũng nên hết sức cẩn trọng, cần tìm hiểu thông tin nguồn gốc sản phẩm trước khi mua, đừng bao giờ tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ, để tự biến mình thành nạn nhân, rồi tiền mất tật mang.

Nhóm PV

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/su-dung-hinh-anh-bac-si-de-quang-cao-lao-cho-thuc-pham-chuc-nang-phai-nghiem-tri-p9542.html