Nợ - vay ký sự: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh công ty tài chính cho vay để... lừa tiền

Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao. Lo ngại các thủ tục khi vay tiền bằng các phương thức chính thống, nhiều người dân đã lựa chọn vay tiền online thông qua các ứng dụng, app,... để được giải ngân nhanh, sớm có tiền trang trải cuộc sống. Lợi dụng tâm lý đó, nhiều đối tượng đã sử dụng các chiêu trò lừa đảo, hòng chiếm đoạt tài sản của những người “nhẹ dạ cả tin”.

Hiện nay, hình thức vay tiền online qua app không còn quá xa lạ với nhiều người. Những quảng cáo như cam kết bảo mật thông tin, lãi suất vay hấp dẫn, không cần thế chấp tài sản, duyệt hồ sơ và giải ngân nhanh chóng,... dễ khiến cho người có nhu cầu lựa chọn hình thức vay này khi gặp vấn đề tài chính trong lúc cấp bách, khó khăn.

Và cũng chính bởi hình thức vay tiền qua các app online khá đơn giản, dễ thực hiện nên càng dễ xuất hiện các rủi ro, nhất là vấn đề lừa đảo với các chiêu trò tinh vi khiến các “con nợ” sập bẫy. Chẳng những không vay được khoản nào để giải quyết nhu cầu tài chính mà còn vướng vào tình trạng nợ càng thêm nợ.

Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Dương Cờ (1986, trú tại Phú Thọ). Trước đó, gia đình anh Cờ gặp khó khăn về tài chính, vợ anh phải nghỉ việc do cắt giảm nhân sự sau Covid-19, mẹ già ốm đau, 3 đứa con anh đang tuổi ăn học. Anh Cờ muốn vay 100 triệu để cho vợ mở quán trà sữa buôn bán, cải thiện kinh tế.

b100-03-27-24still002-1657105406.jpg
Vì quá nóng lòng vay được tiền, anh Cờ đã nhẹ dạ cả tin, bị những đối tượng xấu lừa mất 40 triệu đồng vay qua app online

Sau khi đăng tải thông tin và nhu cầu vay tiêu dùng lên MXH, ngày 27/6, anh Cờ bất ngờ nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên của Cty Tài chính Nam An tư vấn cho anh làm hồ sơ vay tiền bao gồm các giấy tờ như căn cước công dân và 1 số thông tin cá nhân khác. 

Ngay ngày hôm sau, người này giới thiệu anh Cờ cho một “nhân viên” khác với vai trò là nhân viên chăm sóc khách hàng và hỗ trợ giải ngân để hoàn tất hồ sơ vay. Trong suốt quá trình làm việc, những người trên đều liên lạc với anh Cờ qua zalo và điện thoại bàn.

Khi các thủ tục vay tiền đã được hoàn tất, anh Cờ nhận được một đường link app do nhân viên kia gửi với mục đích rút 100 triệu. Tuy nhiên, khi anh thao tác rút tiền, đường link nhiều lần báo lỗi. Người nhân viên cho rằng, do anh Cờ nhập sai số tài khoản ngân hàng và thông tin liên quan khiến tài khoản của công ty họ bị Bộ Tài chính đóng băng. Để lấy được tiền, người vay phải chuyển 10 triệu để cam kết thông tin cá nhân là đúng và sẽ được hoàn trả 100 triệu tiền vay cùng 10 triệu đóng cam kết.

b100-01-55-23still003-1657105579.jpg
Đường link app các đối tượng lừa đảo gửi cho nạn nhân

Không dừng lại ở đó, để lấy được niềm tin triệt để từ “con nợ”, người này còn gửi cho anh Cờ một văn bản bằng hình ảnh với con dấu của Bộ Tài chính. Quá nóng lòng rút tiền để lo công việc, anh Cờ đã chuyển khoản 10 triệu đồng cho số tài khoản “04401014820873 - Ngân hàng MSB - tên người nhận LE HUU NGHIA”. Thế nhưng sau đó, anh vẫn không rút được tiền với lý do tương tự như trên.

Lần này, nhân viên giải ngân yêu cầu anh tiếp tục chuyển 30 triệu thì mới có thể rút được tiền kèm theo công văn đầy đủ con dấu của Cty Tài chính Nam An. “Đâm lao theo lao”, anh Cờ “cắn răng” chuyển thêm 30 triệu cho nhân viên giải ngân nhưng với một tài khoản ngân hàng khác “615704060109430 - Ngân hàng VIB - tên người nhận VO PHAM HONG NHUNG”.

b100-02-21-56still004-1657105579.jpg
Các đối tượng giả mạo văn bản, con dấu của Bộ Tài chính hòng dẫn dụ những "con nợ" sập bẫy

Vậy nhưng, anh Cờ tiếp tục không rút được tiền. Người nhân viên lại yêu cầu anh chuyển thêm 60 triệu để tài khoản của cty hoạt động bình thường mới giải ngân được khoản vay và cam kết chuyển trả 100 triệu tiền vay kèm 100 triệu anh Cờ gửi sau đó. 

b100-02-45-21still005-1657105579.jpg
Dù Cty CP Tài chính Nam An đã dừng hoạt động và không có nghiệp vụ cho vay tài chính tiêu dùng nhưng vẫn bị các đối tượng lợi dụng thông tin để lừa đảo

Lúc này, anh mới thấy dấu hiệu lừa đảo nên đã liên lạc với chủ sở hữu của Cty Tài chính Nam An và trình báo thông tin sự việc với Công an xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, Phú Thọ. Anh Cờ bộc bạch:

"Tối ngày 28/6, tôi đã di chuyển về Công an xã Bình Phú, là nơi tôi cư trú để trình báo công an. Họ trao đổi với tôi rằng hiện tại ở địa phương, số lượng người trình báo bị lừa với hình thức như vậy đang tăng rất nhanh, một ngày thậm chí có mấy chục người trình báo. Họ hướng dẫn, giao dịch của tôi chuyển tiền cho người ta ở khu vực nào thì tôi đã xác nhận chuyển ở khu vực Nội Bài, Sóc Sơn thì họ tư vấn cho tôi xuống Công an Sóc Sơn, tại nơi mình chuyền giao dịch để trình báo với công an ở đó. Tôi cũng đã ra trình báo với Công an hình sự huyện Sóc Sơn thì cũng nhận được thông tin, rất nhiều người dân đến phản ánh bị lừa đảo tương tự trường hợp của tôi".

b100-04-28-08still001-1657105406.jpg
Ông Đỗ Huy Cảnh, nguyên Giám đốc Cty CP Đầu tư tài chính Nam An cho biết, hiện công ty đã ngừng hoạt động và chưa từng tổ chức cho vay tiền

Ông Đỗ Huy Cảnh, nguyên Giám đốc Cty CP Đầu tư tài chính Nam An cho biết, hiện công ty đã ngừng hoạt động và chưa từng tổ chức cho vay tiền.

"Công ty bên tôi bị một số các đối tượng xấu ở trên mạng lợi dụng, mạo danh công ty và đích danh tên đại diện pháp luật của tôi để in vào các văn bản giả mạo, lừa các đối tượng vay tiền. Đơn vị bên tôi đã ngừng hoạt động từ tháng 1/2022. Trước đó, công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực đầu tư thị trường chứng khoán chứ không có nghiệp vụ cho vay tiền".

Để tránh rơi vào tình trạng “nợ chồng nợ” như trường hợp của anh Cờ, nếu mọi người có nhu cầu vay tiền thì nên tìm hiểu và tham khảo các gói vay từ ngân hàng hoặc các thông tin về gói vay đó trước khi vay. Bạn cũng nên cân nhắc và lựa chọn đơn vị vay vốn uy tín được cấp phép, tránh việc vay tiền qua tín dụng đen hay các app online trôi nổi. 

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

 

 

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/no-vay-ky-su-canh-bao-thu-doan-mao-danh-cong-ty-tai-chinh-cho-vay-de-lua-tien-p9552.html