Vấn nạn nhức nhối trước mỗi kỳ thi mang tên “Học hộ, thi hộ”

Gần 1 triệu sĩ tử trên cả nước đang trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2022. Tuy nhiên, cứ mỗi mùa thi đến lại xuất hiện những vấn nạn gây tranh cãi xoay quanh câu chuyện giáo dục, tiêu biểu là thực trạng học hộ, thi hộ hiện nay.


Cứ lướt mạng xã hội, không khó để tìm thấy các dịch vụ thi hộ tràn lan. Đặc biệt trên nền tảng Facebook, Zalo,… Chỉ cần một thao tác tìm kiếm đơn giản với từ khoá “Hỗ trợ học tập", “Nhận làm bài tập thuê" hay viết tắt là “TH&HH (Thi hộ, học hộ)"... là đã có thể tìm thấy hàng chục hội nhóm khác nhau, số lượng thành viên lên đến hàng nghìn người. Trong đó, một số hội nhóm ở chế độ riêng tư và để vào được bên trong thì phải qua kiểm duyệt nhằm loại trừ “gián điệp”. Ai có nhu cầu thuê người chỉ cần đăng lên nhóm với đầy đủ các thông tin liên quan đến ngày giờ, địa điểm, môn học, kèm theo mức giá… ngay lập tức có hàng chục các bình luận "nhận việc". Không chỉ học hộ, thi hộ, các hình thức khác từ làm bài tập thuê đến viết tiểu luận thuê cũng rất phát triển với các mức giá khác nhau.

hhth-1657213582.jpg
Tràn lan các hội nhóm "học hộ, thi hộ" trên mạng xã hội (Ảnh: Internet)

Ngày 7-7, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) điều tra hai người có hành vi đi thi hộ trong kỳ thi đánh giá năng lực của Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội. Theo đó, sáng 3-7, điểm thi đánh giá năng lực tiếng Nhật của Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội, lực lượng công an phối hợp với hội đồng thi phát hiện thí sinh Phạm Văn T. có dấu hiệu sử dụng CMND giả để vào thi. Làm việc với lực lượng chức năng, người này khai tên thật là Vũ Duy H., SN 1990, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và được thuê đến thi hộ với giá là 4.000.000 đồng.

Trước đó, lực lượng công an cũng phát hiện một nữ sinh viên đang học tại một trường đại học ngoại ngữ trên địa bàn Hà Nội sử dụng thẻ CCCD mang tên người khác để đi thi hộ. 

hoc-ho-thi-ho-1657213572.jpg
Hành vi sử dụng CMND của người khác để đi thi hộ (Ảnh minh hoạ)

Theo Quyết định 42/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo, hành vi nhờ/thuê người học hộ, thi hộ và hành vi học hộ, thi hộ không chỉ là những hành vi trái đạo đức mà còn trái pháp luật giáo dục được quy định tại khoản 2, Điều 6 Quy chế học sinh, sinh viên. Nếu việc HHTH bị phát hiện, trước hết bài làm hộ, bài thi hộ của SV đó sẽ bị hủy bỏ, không được công nhận điểm danh trong các buổi học hộ. Ngoài ra, sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.

Theo Điều 14 Nghị định 04/2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.

Hơn nữa, đối với trường hợp làm giả CMND hoặc sử dụng CMND giả để thi hộ thì người có hành vi làm giả CMND, sử dụng CMND giả để thi hộ đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Điều 341: tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đã từ lâu thực trạng học hộ, thi hộ được coi là một vấn nạn nhức nhối trong lĩnh vực giáo dục. Nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để, hệ lụy của nó là rất lớn, không chỉ mất đi tính chất công bằng cho các sinh viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, chuẩn đầu ra và định hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm của mỗi viên trong tương lai mà rộng hơn là cho cả xã hội.

 

 

Thu Trang

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/van-nan-nhuc-nhoi-truoc-moi-ky-thi-mang-ten-hoc-ho-thi-ho-p9555.html