Đạp xe thể dục trên đường cao tốc sẽ bị xử phạt như thế nào?

Thời gian qua, theo nhiều tài xế, đại lộ Thăng Long (hướng đi Hòa Lạc) và đường Võ Nguyên Giáp (hướng Nội Bài) là hai tuyến đường thường xuyên xuất hiện những tốp người đạp xe thể dục đe dọa an toàn giao thông.

Không còn hiếm hình ảnh những người đi xe đạp cố tình đi vào đường cao tốc hay các đoạn đường chỉ dành cho ôtô đi với vận tốc lớn. Những người đạp xe vào đây thường viện lý do đạp xe vào 5 - 6h sáng ít xe qua lại để tránh mất an toàn giao thông. Video ghi lại trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội) dưới đây là một ví dụ.

dap-xe-cao-toc-1660107192.jpg
Tình trạng đạp xe thể dục trên cao tốc đường Võ Nguyên Giáp (ảnh: Internet)

Hay hình ảnh được anh Lê Tùng Anh chia sẻ vào ngày 11/7 vừa qua khi đang điều khiển xe ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp hướng sân bay Nội Bài, đã bắt gặp đoàn người đạp xe thể dục. Được biết, đây là đường dành riêng cho xe ô tô tốc độ từ 60-90km/h, cấm các loại xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy.

"Họ đã đi vào đường cấm, lại còn đi vào làn tốc độ cao nhất - 90km/h, rất nguy hiểm", anh Tùng Anh nói.

Theo anh Tùng Anh, nhiều năm qua đại lộ Thăng Long (hướng đi Hòa Lạc) và đường Võ Nguyên Giáp (hướng Nội Bài) là hai tuyến đường thường xuyên xuất hiện những tốp người đạp xe thể dục. Không riêng anh, rất nhiều người từng chứng kiến tình trạng này và phản ánh lên các hội nhóm để cảnh báo các tài xế ô tô.

Đạp xe nâng cao sức khỏe là hoạt động khuyến khích nhưng nếu biến đường cao tốc thành "đường tập" thì việc đạp xe vô tình trở thành một "bộ môn thể thao mạo hiểm". Đối với hành vi trên, tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

intro00-02-22-03still002-1660107221.jpg
Người dân "quay đầu" khi gặp lực lượng CSGT (ảnh: Internet)

Cụ thể, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 100/2019, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/ NĐ-CP, người đạp xe vào đường cấm, đường cao tốc mà không phải người thực hiện quản lý, bảo trì đường cao tốc, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 - 600.000 đồng.

Nếu có căn cứ chứng minh rằng người thực hiện hành vi này gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về giao thông đường bộ" tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và phải bồi thường thiệt hại nếu có.

Có một số ý kiến cho rằng mức xử phạt hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng này tiếp diễn nhiều năm qua. Cơ quan chức năng cần xem xét tăng mức phạt, đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát để xử lý triệt để tình trạng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này.

 

Thu Trang

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/dap-xe-the-duc-tren-duong-cao-toc-se-bi-xu-phat-nhu-the-nao-p9586.html