13h30 chiều ngày 10/8, đường Nguyễn Văn Linh, đoạn qua phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội bắt đầu thưa dần. Không khó để các chiến sĩ Đội CSGT số 5, thuộc Phòng CSGT CATP Hà Nội phát hiện nhiều người điều khiển giao thông mặt vẫn còn đỏ, có dấu hiệu vừa sử dụng rượu, bia xong.
Khi tổ công tác thuộc Đội CSGT số 5, do Đại Uý Đào Xuân Dũng làm tổ Trưởng tiến hành dừng một số phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn thì phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, có trường hợp đã vượt mức cao nhất (vượt quá 80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở).
Đáng chú ý, quá trình kiểm tra, nhiều trường hợp sử dụng chiêu trò để né tránh kiểm tra nồng độ cồn, qua mắt lực lượng chức năng như quay đầu xe bỏ chạy, xuống xe bỏ đi, rẽ vào đường nhánh tránh chốt kiểm tra, dắt bộ xe qua chốt kiểm soát…
Có trường hợp khi bị kiểm tra, dù thừa nhận đã uống rượu bia nhưng lý do vui quá uống một chút hoặc phải tiếp khách rồi không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc nói không biết thổi.
Thậm chí có trường hợp đã nhận lỗi nhưng không ký vào biên bản, muốn bỏ xe và cho rằng máy thổi nồng độ cồn bị hỏng khi biết số tiền bị phạt còn cao hơn cả giá trị chiếc xe.
Đối với các trường hợp như vậy, ngoài việc tuyên truyền để người vi phạm hiểu rõ quy định pháp luật khi sử dụng rượu bia lái xe để tránh vi phạm lần sau thì tổ công tác còn phải nhẹ nhàng “nịnh” người vi phạm để chấp hành việc kiểm tra, xử lý.
Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, tổ công tác đã lập biên bản, niêm phong và tạm giữ 4 xe máy và giấy phép lái xe để xử lý theo quy định.
Các trường hợp bỏ chạy, không chấp hành theo hiệu lệnh của người thi hành công vụ là hành vi cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Đây không đơn thuần là thiếu văn hóa giao thông mà là ý thức không tuân thủ, coi thường pháp luật của người vi phạm.
Cả hai trường hợp trên đều bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Những trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì sẽ bị xử phạt theo mức cao nhất của hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Trao đổi với PV, Đại Uý Đào Xuân Dũng, Đội CSGT số 5, thuộc Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết: “Thực hiện Kế hoạch 299 của Bộ công an, cũng như của Giám đốc CATP, Phòng CSGT đã nghiên cứu và giao Đội CSGT số 5 triển khai kế hoạch. Qua đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn, đó là nguyên nhân chính xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, QL 5”.
Theo Đại Uý Dũng, biện pháp tuyên truyền kết hợp với xử lý nghiêm vi phạm sẽ tạo chuyển biến tích cực. Mục đích của cảnh sát giao thông không phải chỉ xử phạt, thu tiền phạt mà muốn tuyên truyền để người dân chấp hành pháp luật tốt hơn, khi tham gia giao thông phải đảm bảo an toàn cho chính mình và cho người khác.
Quốc Long - Phong Hào
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/cao-diem-xu-ly-nong-do-con-o-ha-noi-thay-muc-xu-phat-cao-nhieu-tai-xe-bat-hop-tac-muon-bo-xe-p9587.html