Hành vi uống rượu, lái xe: Có nên tăng nặng mức xử phạt?

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra không ít những vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra. Đặc biệt, những cuộc vui cùng bia, rượu đã trở thành một “văn hóa” không thể thiếu đối với một bộ phận lớn những người dân, nhất là những người đang ở độ tuổi lao động. Sau những vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia có rất nhiều ý kiến cho rằng nên tăng nặng hơn nữa mức xử phạt thậm chí là tịch thu phương tiện và tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông, trong đó 11% số người chết do có liên quan rượu, bia. Con số này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông trên đường.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm mất khả năng tự chủ, định hướng và điều khiển vận động. Điều khiển phương tiện giao thông sau những cuộc nhậu, nhất là khi say xỉn sẽ khó làm chủ tay lái hay xử lý các tình huống trên đường, vô tình gieo “án tử” cho chính bản thân và cả những người tham gia giao thông khác.

ccb00-01-32-04still012-1660283161.jpg
Vụ TNGT tại Bắc Giang do tài xế sử dụng rượu bia gây ra hậu quả nghiêm trọng

Hiện nay, những cuộc vui với bia, rượu dường như trở thành “văn hóa” không thể thiếu với một bộ phận rất lớn những người dân, đặc biệt là đang ở độ tuổi lao động. Thời tiết nắng nóng, oi bức gọi nhau đi nhậu giải khát, bạn bè lâu không gặp cũng hẹn nhau đi nhậu để tăng tình cảm, gặp chuyện đen đủi liền đi nhậu để giải đen ... Và sau mỗi cuộc vui như thế, người ta càng khó giữ được tỉnh táo sau tay lái, tai nạn xảy ra cũng là điều đương nhiên.

Sau những vụ tai nạn xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua mà nguyên nhân chính đều liên quan đến việc người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng nặng các mức xử lý vi phạm, kể cả phạt tù hoặc các yếu tố tài chính để hình phạt mang tính răn đe, thay đổi nhận thức người vi phạm. Không những vậy, có thể tịch thu phương tiện và tước bằng lái xe vĩnh viễn.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến, Giám đốc Cty Luật TNHH Gia Võ cho biết: “Tại Nghị định 100/2020 và Nghị định 123/2021 đối với xử lý hành vi sử dụng rượu bia trong khi lái xe, mức xử phạt đã được tăng nặng từ 2-8 triệu đồng. Mức hình phạt bổ sung, cao nhất đối với việc tước GPLX có thể lên đến 24 tháng. Tuy nhiên, sau khi có những hình phạt rất cao, chế tài nặng để răn đe đối với các lái xe khi sử dụng rượu bia nhưng tỉ lệ TNGT xảy ra vẫn lớn, hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo quan điểm cá nhân của tôi, tôi vẫn ủng hộ việc cần có những chế tài nặng, có sức răn đe lớn hơn, thậm chí là tước vĩnh viễn bằng lái xe và cấm sử dụng phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, đối với cơ quan chức năng, tôi đề xuất việc xem xét, quản lý và điều hành giao thông. Đồng thời, hướng đến người dân hiểu biết về pháp luật hơn, tôn trọng các quy chế, quy định của pháp luật để đảm bảo cho chính mình và những người tham gia giao thông khác."

z3636067028567-e59495797217853afe61a1c6868bbe31-1660217798.jpg
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng rượu, bia nhưng vẫn tham gia giao thông

Các ngành chức năng cũng đã triển khai nhiều chiến dịch, đợt cao điểm xử lý xe vi phạm nồng độ cồn nhưng số vụ, số người chết, người bị thương sau các vụ tai nạn liên quan đến rượu bia vẫn tiếp diễn, trở thành nỗi ám ảnh của biết bao người.

Có thể thấy, việc hạn chế những hành vi vi phạm giao thông do sử dụng rượu bia không đơn thuần là tăng nặng mức xử phạt mà còn phải kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức thường xuyên cho người dân, nhất là lực lượng trong độ tuổi lao động.

Thay vì việc đổ “tại rượu bia”, mỗi người cần chủ động ý thức, thay đổi hành vi, ứng xử trước sự cám dỗ của chúng, vì một xã hội an toàn, lành mạnh hơn,...

 

Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/hanh-vi-uong-ruou-lai-xe-co-nen-tang-nang-muc-xu-phat-p9588.html