Cụ thể, ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.
Trong đó, phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Đối với hành vi vi phạm của chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 200 – 250 triệu đồng đối với hành vi không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
- Phạt tiền từ 250 – 300 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư theo quy định.
Chính phủ cũng bổ sung quy định về mức phạt tiền từ 200 – 250 triệu đồng đối với chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường như: Không có mạng lưới thoát nước mưa, nước thải riêng biệt; Không có công trình vệ sinh nơi công cộng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Không đảm bảo diện tích cây xanh, mặt nước, không gian thoáng trong khu đô thị, khu dân cư tập trung theo quy định;…
Tuy nhiên, trên thực tế, thói quen bỏ chung các loại rác thải vào túi nilon trước khi đổ ra điểm tập trung rác tại mỗi khu vực của người dân vẫn hiện hữu thay vì phải phân loại như theo quy định. Hơn nữa, không phải ai cũng biết đến quy định mới này để thực hiện.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Thanh Trì, Hà Nội bộc bạch: "Tôi chưa nắm được thông tin chính xác về nghị định này mà chỉ nghe bập bõm trên ti vi. Để người dân hiểu rõ về các quy định thì cơ quan chức năng địa phương như các phường xã cần có một cuộc họp tập trung để phổ biến đến chúng tôi. Hơn nữa, tôi thấy việc thực hiện phân loại rác thải trước khi đến điểm tập trung rất khó. Hầu như ở mỗi gia đình bây giờ chỉ có một cái sọt rác để bỏ chung các loại rác thải trước khi đem đi vứt. Vậy nên, việc tuyên truyền như thế nào để cho người dân hiểu và có ý thức tự giác phân loại rác ngay từ hộ gia đình là điều khó nhưng cần làm ngay. Ở những điểm tập kết rác cũng cần phân loại thùng rác để chúng tôi dễ nhận biết hơn xem rác vô cơ bỏ vào đâu, hữu cơ bỏ vào đâu,... Hơn nữa, cần có sự giám sát, xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, vứt rác thải bừa bãi,..."
Thói quen gom rác đổ tập trung không chỉ tồn tại ở các khu dân cư mà ngay cả ở các khối văn phòng cũng chung tình trạng tương tự.
Để Nghị định 45/NĐ-CP đi vào đời sống thực tế của nhân dân, ngoài việc các cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật đến từng người dân, từng hộ gia đình thì cần có sự giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời với những trường hợp vi phạm. Từ đó, khi Nghị định chính thức có hiệu lực, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc phân loại rác thải từ cá nhân đến các hộ gia đình và toàn xã hội, bảo vệ môi trường sống ngày một trong sạch hơn.
Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/se-phat-nang-hanh-vi-khong-phan-loai-rac-thai-p9606.html