Buông lỏng quản lý hoạt động kinh doanh có điều kiện và những hệ lụy: (Bài 1) Cấm cứ cấm, hát cứ hát

Chưa có đủ giấy phép theo quy định, bị cơ quan chức năng dán thông báo yêu cầu dừng hoạt động nhưng nhiều cơ sở karaoke vẫn nhộn nhịp đón khách suốt ngày đêm, thậm chí bán cả hàng cấm cho khách, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ, tệ nạn xã hội. Thực trạng này rất nhức nhối tại đòi hỏi phải có giải pháp xử lý triệt để.

Vụ cháy quán karaoke An Phú (ở tỉnh Bình Dương) khiến 32 người tử vong, và vụ cháy tại quán karaoke ở phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 3 chiến sĩ hy sinh trong quá trình chữa cháy là hai trong nhiều vụ cháy liên quan đến hoạt động kinh doanh karaoke trong thời gian gần đây, để lại nhiều rủi ro, mất mát lớn cả về tính mạng và tài sản.

Trước những hiểm họa khôn lường về cháy nổ và tệ nạn xã hội có thể xảy ra, ngày 9/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn. 

Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke.

Giám sát chặt các quán karaoke đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không đủ điều kiện về PCCC theo quy định. Chủ tịch cấp quận, huyện, xã phải chịu trách nhiệm với những quán karaoke không đủ điều kiện PCCC nhưng vẫn cố tình hoạt động.

Những tưởng, sau những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng cướp đi nhiều mạng sống và sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, từ UBND TP Hà Nội sẽ là bài học đắt giá, là hồi chuông cảnh tỉnh để các cơ sở kinh doanh cũng như các cơ quan quản lý cấp cơ sở phải xem xét việc quản lý, giám sát đối với loại hình kinh doanh này.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu, tìm hiểu của PV, hoạt động karaoke tại một số quận huyện lại đi ngược lại. 

Tại một con phố ở một quận nội thành Hà Nội, cả chục quán karaoke san sát nhau, hầu hết các cơ sở này đều bị cơ quan công an dán thông báo trên cửa yêu cầu dừng hoạt động vì không đủ giấy tờ theo quy định. Thế nhưng không một cơ sở nào chấp hành, khách hát cũng không quan tâm.

Gần 00h đêm, phía ngoài quán karaoke ở số 114 vẫn rất nhộn nhịp mời đón khách, bên trong, nhiều phòng đang bật nhạc lớn say sưa hát. Các nhân viên quán thì khẳng định: “Hát lúc nào khách nghỉ thì bọn em sẽ nghỉ ạ, anh hát đến sáng cũng được".

Chịu chơi hơn phải kể đến quán karaoke ở số 86. Khi khách có nhu cầu sử dụng “bóng cười” - một loại khí Nitơ oxit N2O gây cười bị hạn chế sản xuất kinh doanh và cấm sử dụng cho hoạt động vui chơi giải trí thì ngay lập tức nhân viên mời khách mua cả bình để chơi cho “xõa” rồi mang lên phòng, bơm tại chỗ.

z3720807155795-bf8c3044596fadfb0d1ed1a7d40545cd-1663134639.jpg

Quán karaoke bơm "bóng cười" bán cho khách ngay cả khi bị cơ quan công an cấm hoạt động vì không đủ giấy phép

23h50, quán karaoke Sun Club (Hà Nội) bắt đầu đóng cửa, tuy nhiên phía trong thì vẫn rất nhộn nhịp, nhiều phòng hát vẫn đang có khách. Tâm sự với nhân viên của cơ sở này, PV rất bất ngờ và không dám tin đó là sự thật.

Có thể thấy, việc nhiều quán karaoke hoạt động không chỉ trái phép mà còn đang có dấu hiệu bị biến tướng vượt qua khỏi tầm kiểm soát của địa phương, là nguồn tiềm ẩn của các vụ việc phức tạp, vi phạm cháy nổ, gây mất ATTT.

Giải pháp hiệu quả hiện nay là UBND và Công an TP Hà Nội sớm vào cuộc thanh kiểm tra, để hoạt động kinh doanh karaoke được lành mạnh và an toàn hơn, đúng theo quy định của pháp luật. Qua đó cũng cần xem xét trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan đúng với tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu. Đó là giải pháp hiệu quả có thể xử lý triệt để vấn nạn chúng tôi đề cập ở trên. 

Bài sau: Cà phê biến tướng, bóng "cười" và...

Nhóm PV

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/buong-long-quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-co-dieu-kien-va-nhung-he-luy-bai-1-cam-cu-cam-hat-cu-hat-p9618.html