Giải pháp nào cho vấn nạn “chuồng cọp” ở Hà Nội?: (Bài 1) Tham nhà rộng, “cõng thần chết”

“Chuồng cọp” mà chúng tôi nghiên cứu, tìm hiểu trong loạt bài này không phải là nơi để nhốt cọp. “Chuồng cọp” ở đây là một vấn nạn, một nguy cơ của xã hội, tồn tại đã rất nhiều năm nay ở các đô thị lớn. Nó thể hiện lòng tham và sự coi thường an toàn tính mạng, sức khoẻ của một bộ phân người dân. Nó cũng làm lộ “mặt trái” của công tác quản lý. Đã đến lúc Hà Nội cần quan tâm đặc biệt đến “chuồng cọp”, vì an toàn xã hội.

“Chuồng cọp” là từ chỉ việc lắp đặt lưới sắt, lồng sắt… vào các ô cửa sổ, ban công nhằm cơi nới, tăng diện tích sử dụng. Việc này thường gặp ở các chung cư, hoặc khu tập thể ở một số thành phố lớn, nhìn những “chuồng cọp này” đôi lúc lại giống những chuồng chim lơ lửng trên không.

Theo khoản 2, Điều 70, Nghị định 16/2022/NĐ-CP, quy định: Hành vi “Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian xung quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung hoặc lấn chiếm các phần thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư” sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khác như: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm”.

Dù quy định đã rõ nhưng những vi phạm này vẫn diễn ra rất phổ biến, cụ thể như ở quận Ba Đình, Hà Nội là một ví dụ. Nhiều khu chung cư, tập thể cao chừng 5 tầng ở phường Vạn Phúc với số lượng cả ngàn căn san sát nhau hầu hết đều được sửa chữa tạo thành những “chuồng cọp” ở mỗi ban công, cửa sổ.

tin-100-06-35-07still008-1663916692.jpg
Việc cơi nới "chuồng cọp" khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, lộn xộn,...

Do không được cấp phép nên mỗi hộ gia đình tự sáng tạo “chuồng cọp” cho mình theo một kích cỡ, màu sắc và chất liệu riêng nên “bộ mặt” của khu tập thể trở nên rất nham nhở, nhếch nhác.

Nhiều “chuồng cọp” được cơi nới đua ra hơn 1m, sát với những đường điện trông rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc nhiều nhà dân cơi nới nhiều diện tích lớn cũng có thể làm ảnh hưởng đến kết cấu, sự chịu lực của tòa nhà, tuổi thọ bị suy giảm.

Đặc biệt, với tâm lý “rào chắc, buộc chặt” người dân đã vô tình tạo thành những “chuồng cọp” kiên cố, những ban công, cửa sổ thông thoáng nay đã được hàn hoặc khóa chặt, bịt mất lối thoát nạn của gia đình nếu không may có sự cố hỏa hoạn xảy ra. 

tin-100-06-38-08still010-1663916692.jpg
Dựng "chuồng cọp" cũng là tự bớt đi một cơ hội sống khi hoả hoạn

Bên cạnh đó, các “chuồng cọp” kiểu này còn làm khó lực lượng Cảnh sát PCCC nếu có sự cố xảy ra. Ngay cả khi các xe thang tiếp cận được “chuồng cọp” thì lực lượng chức năng còn phải mất nhiều thời gian để cắt phá, bỏ qua thời gian “vàng” để cứu người, chữa cháy…

da8c864b-96ae-45c8-9fdf-b6ad201b1ae8-1664098444.jpeg
Một công trình sai phạm ở khu tập thể E3 phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình "lén lút" hoàn thiện trong sự "giám sát" chặt chẽ của cán bộ phường
 
cfc593bf-e33f-47fd-8a9c-7df66d3ad39b-1664099418.jpeg
Chung cư lâu năm, xuống cấp, lại bị khoan, đục, chịu lực từ "chuồng cọp", tiềm ẩn nguy cơ cao
 

Mới đây nhất, một vụ cháy nhà 3 tầng (sát khu B9 Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) ngày 21/4/2022, dù không lớn nhưng do căn nhà dạng nhà ống không có đường thoát nhiệt, của sổ và ban công bị “chuồng cọp” vây kín kiên cố khiến lực lượng cảnh sát PCCC gặp nhiều khó khăn khi làm nhiệm vụ, hậu quả vụ cháy khiến 5 người chết và 2 người bị thương.

Có thể thấy việc các chung cư, khu tập thể tự ý cơi nới, xây dựng “chuồng cọp” không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn vi phạm pháp luật, gây nhiều rủi ro khi xảy ra cháy nổ.

tin-100-06-23-05still009-1663916692.jpg
Cơi nới chuồng cọp có thể tăng diện tích sử dụng nhưng cũng tăng thêm nhiều nguy cơ...

Các cơ quan chuyên môn đã đến lúc cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với hành vi tự ý cơi nới, xây dựng “chuồng cọp” ở mỗi địa bàn.

Theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP, quy định, Chủ tịch quận, huyện; thị xã, phường, xã phải chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn. TP yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã khẩn trương có kế hoạch, biện pháp tổ chức lực lượng phù hợp với tình hình mới để quản lý TTXD trên địa bàn theo thẩm quyền quy định. 

Bài sau: Ngoài nguyên nhân chính là người dân tham diện tích mà bất chấp sự an toàn cho tính mạng, tài sản của mình và gia đình, thì nguyên nhân quan trọng khác chính là sự yếu kém trong công tác quản lý, giám sát trật tự xây dựng của chính quyền địa phương. Đặc biệt là cán bộ chuyên trách ở cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu, gồm chủ tịch phường, xã và phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực này. Trong bài sau, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích vai trò, trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội, làm một ví dụ cụ thể để làm rõ vấn đề chúng tôi nghiên cứu ở trên.

Quốc Long - Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/giai-phap-nao-cho-van-nan-chuong-cop-o-ha-noi-bai-1-tham-nha-rong-cong-than-chet-p9625.html