Khi nào bản án bị kháng nghị phúc thẩm?

Trong thực tiễn có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc bản án, quyết định của toà án có sai sót. Vì vậy, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật vẫn được kháng nghị để xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Kháng nghị là hành vi tố tụng của người có thẩm quyền, thể hiện việc phản đối toàn bộ hoặc một phần nội dung bản án hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Toà án. Kháng nghị được đưa ra đối với những bản quyết định của Toà án chưa có hiệu lực pháp lực hoặc đã có hiệu lực nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử phát hiện thấy có sai lầm, vi phạm pháp luật hoặc phát hiện có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản hay một phần quan trọng nội dung của bản án hoặc quyết định của toà án mà toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

Thực tế hiện nay, vi phạm trong việc xác minh, thu thập đánh giá chứng cứ không đầy đủ, khách quan làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là những bất cập vẫn còn tồn tại trong hoạt động xét xử của toà án.

Vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất; đòi nhà cho thuê” giữa bà Huỳnh Thị Kim Vân (sinh năm 1952, ngụ tại số 46/1, đường 30/4, phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (gọi tắt là Tập đoàn) được 2 cấp toà xử với phần thắng thuộc về phía Tập đoàn.

z3932436710026-6765c125d00769d74798d44040c5a805-1670124992.jpg
Bà Huỳnh Thị Kim Vân

Tuy nhiên, VKS nhân dân cấp cao tại TP HCM nhận định: TAND TP Vũng Tàu và TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía Tập đoàn, buộc bà Huỳnh Thị Kim Vân phải trả lại nhà đất tranh chấp là chưa thu thập, xem xét, đánh giá khách quan toàn diện các chứng cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Vân. Từ đó ra Quyết định số 171/QĐ-VKS-DS kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án số 69/2020 DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Vân: “TAND TP Vũng Tàu và TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhầm lẫn về việc đòi nhà cho thuê và căn nhà tôi đang ở”.

Theo ông Trịnh Văn Hợi - nguyên cán bộ quản lý các khu tập thể của Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí: “Năm 1994, cơ quan tôi giải tỏa khu Tiền Cảng. Chúng tôi lấy khu đất đằng sau và đổi cho chị Vân căn nhà số 43 đường Tiền Cảng, là ở khu vực khác chứ không phải căn nhà này. Căn nhà chị Vân đang ở khác hẳn với căn nhà kia, tức là có sự nhầm lẫn của tòa”.

z3932436712189-49c8405e895b366c553078f69b120729-1670124992.jpg
Có sự nhầm lẫn của tòa?

Theo quyết định kháng nghị của VKS nhân dân cấp cao tại TP HCM: Trong quá trình giải quyết vụ án, phía Tập đoàn không cung cấp được văn bản, tài liệu thể hiện vị trí, ranh giới, tứ cận khu đất được giao theo Quyết định số 1616/ QĐ-KHĐT về việc giao quyền quản lý và quyền sử dụng lô đất Tiền Cảng cho Tập đoàn. Tòa án hai cấp không xem xét, thẩm định vị trí khu đất mà chỉ dựa vào bản đồ giải thửa để xác minh nhà đất tranh chấp là chưa có cơ sở.

VKSND cấp cao tại TPHCM đánh giá việc tòa án 2 cấp nhận định căn nhà tranh chấp chính là căn bà Vân thuê là chưa đảm bảo tính có căn cứ. Cụ thể, theo lời khai của bà Huỳnh Thị Kim Vân, căn nhà đang tranh chấp và căn nhà bà Vân thuê của Công ty Dầu khí tại số 40 Tiền Cảng theo hợp đồng cho thuê năm 2002 được cho là hai căn nhà khác nhau. Điều này đã được các nhân chứng là Giám đốc Quản lý các khu tập thể của Xí nghiệp Dịch vụ dầu khí, Công an khu vực Cảng Dầu, Trưởng Công an phường và Chủ tịch UBND phường thời điểm đó thừa nhận tại phiên tòa. Tuy nhiên, lời khai của các nhân chứng từng là những người làm lãnh đạo các đơn vị trực tiếp này lại không được toà án hai cấp xem xét. 

VKSND cấp cao cũng nhận xét, về thủ tục tố tụng, quá trình giải quyết vụ án, TAND 2 cấp đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không xác minh rõ những ai sinh sống trên nhà đất tranh chấp để đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Qua xem xét vụ án, VKSND cấp cao đã xác định tòa án hai cấp chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía Tập đoàn, buộc bà Huỳnh Thị Kim Vân phải trả lại nhà đất tranh chấp là chưa thu thập, xem xét, đánh giá khách quan toàn diện các chứng cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Vân.

kdcn00-05-56-20still010-1670125524.png
Quyết định kháng nghị của VKSND tối cao
Theo khoản 1, điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định: “Trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân thì VKSND phải kháng nghị”.

Việc kháng nghị của VKSND có vai trò rất quan trọng đối với việc tuân thủ pháp luật trong tố tụng, kịp thời khắc phục những vi phạm trong tổ chức xét xử của toà án, nhằm đảm bảo sự công bằng, chính xác trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Đồng thời củng cố lòng tin của người dân vào cơ quan nhà nước, vào hoạt động xét xử của toà án và hệ thống tư pháp nói chung.

Sinh Nguyễn - Thành Vinh

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/khi-nao-ban-an-bi-khang-nghi-phuc-tham-p9664.html