Công tác quản lý về đất đai, môi trường và xây dựng khu vực ven sông ở Đông Anh, Hà Nội: (Bài 3) Lấn chiếm tràn lan, xây dựng trái quy hoạch

Từ lâu, vấn đề quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông luôn được các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm nhằm tránh việc sử dụng sai mục đích, vi phạm quy hoạch của địa phương dẫn đến nhiều hệ lụy, phức tạp kéo dài. Tuy nhiên ở một số địa phương vấn đề này còn chưa được quan tâm đúng mức, như ở huyện Đông Anh, Hà Nội là một điển hình.

Hiện này, với tốc độ phát triển nhanh, tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố lớn, tình trạng san lấp ao hồ, đất nông nghiệp để làm nhà, kho bãi diễn ra rất phổ biến. Vấn đề này không chỉ khiến diện tích đất nông nghiệp ngày bị thu hẹp, biến dạng gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương mà người sử dụng đất còn vi phạm các quy định pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất có quy định, người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất… Một trong những hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng đất sai mục đích.

z3957482217022-f7573790da701efa970e274a54598425-1670943288.jpg
Mọi hành vi sử dụng, lấn chiếm đất nông nghiệp để xây nhà đều bị pháp luật nghiêm cấm

Theo đó, việc tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất sai mục đích, khi phát hiện vi phạm, UBND cấp xã, phường, thị trấn phải lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành chính đối với vi phạm. 

Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 11, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Mức phạt sẽ tùy thuộc vào diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, trong đó, mức cao nhất khi chuyển từ 03 hecta trở lên ở nông thôn thì có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng. Đối với đất tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt ở nông thôn. Bên canh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Nếu người vi phạm không tự nguyện thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu thì sẽ bị cưỡng chế thi hành.

z3957482251017-657b6ff18e372e9e271dc37c07749789-1670943288.jpg
Ven bờ sông Hồng biến thành nơi kinh doanh du lịch trái phép

Luật, Nghị định thì đã có với rất nhiều chế tài được áp dụng, tuy nhiên theo nghiên cứu, tìm hiểu của PV, vấn đề quản lý đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội đang có dấu hiệu bị buông lỏng, vi phạm quy hoạch của Thành phố Hà Nội.

Dọc theo ven bờ sông đoạn từ xã Đại Mạch đến xã Võng La, dù là đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông nhưng từ lâu nhiều hộ dân đã tự ý san gạt, đổ chất thải rồi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhiều nhà xưởng kiên cố, đến nay, nhiều công trình đã cũ, nhiều công trình thì mới bắt đầu.

z3957482250774-6cda398dc0750abb22aa73f7285ea1be-1670943288.jpg
Nhiều diện tích đất nông nghiệp, ao hồ bị san lấp làm mặt bằng

Tháng 3.2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Ngày 5.5.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trong đó, nhiều diện tích đất ven sông thuộc xã Đại Mạch và xã Võng La nằm trong  quy hoạch khu đô thị sông Hồng, nhiều diện tích đã được quy hoạch là đất trồng cây hàng năm, tuy nhiên nắm được thông tin khu vực này sẽ được xây mới cây cầu Thượng Cát nhiều hộ dân đã ồ ạt đổ chất thải xây dựng để san lấp mặt bằng, thậm chí quây tôn, xây tường bao để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giữ phần.

z3957482227284-2cd5cad3e92fb85d795bbe83a499dfaa-1670943288.jpg
Ngoài xây dựng trái phép thì khu vực này xuất hiện nhiều diện tích đất nông nghiệp lớn bị san lấp, xây tường rào

Không chỉ san lấp đất trồng cây hàng năm sát khu dân cư để xây dựng nhà kiên cố vi phạm quy hoạch, mà quá trình khảo sát của PV còn nhận thấy, ngày sát mép nước bờ sông vài chục mét, người ta còn ngang nhiên xây dựng công trình kiên cố để tạo nên cái gọi là khu vui chơi, du lịch sinh thái…Hay phía chân đê, một vị trí rất dễ quan sát nhưng cũng vô tư đổ hàng vạn m3 phế thải xây dựng để san lấp ao hồ khiến nhiều người dân cảm thấy khó hiểu và bức xúc.

Một người dân địa phương, khẳng định: “Tất cả đất ở khu vực này đều không có sổ”.

z3957482269001-452bca966782328df83f809e30178930-1670943288.jpg
Công tác quản lý về đất đai, môi trường và xây dựng khu vực ven sông ở Đông Anh đang chưa tốt

Có thể thấy, vấn đề quản lý đất công, đất nông nghiệp, đặc biệt những vị trí nằm trong quy hoạch tại huyện Đông Anh đang là dấu hỏi lớn. Dấu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý của cán bộ chuyên môn và của Chủ tịch UBND xã Đại Mạch và xã Võng La như thế nào khi để vấn đề trên diễn ra công khai và kéo dài? Dấu hỏi lớn về việc những quy định của pháp luật có được thực thi tại hai địa bàn này không?

Mong rằng, thời gian tới Chủ tịch UBND huyện Đông Anh sẽ sớm có những chỉ đạo sát sao, quan tâm hơn nữa đến những dấu hiệu vi phạm này.

Người đưa tin TV sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Long - Phong Hào

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/cong-tac-quan-ly-ve-dat-dai-moi-truong-va-xay-dung-khu-vuc-ven-song-o-dong-anh-ha-noi-bai-3-lan-chiem-tran-lan-xay-dung-trai-quy-hoach-p9669.html