Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, đảm bảo giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Người đi bộ cũng là một trong những nhóm đối tượng tham gia giao thông nên trong Luật Giao thông đường bộ có quy định đối với người đi bộ phải chấp hành các quy tắc khi đi trên đường. Trong đó, có quy định không được phép đi vào đường cao tốc.
Theo khoản 2, Điều 9, Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, hành vi người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Có thể thấy rằng, mức xử phạt với số tiền khá nhẹ nhàng như trên khiến nhiều người dân vẫn vô tư vượt tôn hộ lan (rào chắn an toàn) để đi vào đường cao tốc, bắt xe khách hoặc sang đường tại một số tuyến đường cao tốc gần khu dân cư. Với dòng xe tham gia giao thông trên đường cao tốc thường đi với tốc độ lớn thì việc người đi bộ đi vào đường cao tốc không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng của họ mà còn ảnh hưởng đến các phương tiện khác nếu không kịp quan sát và xử lý tình huống.
Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Nếu người đi bộ vi phạm giao thông như băng qua đường, đi dưới lòng đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo thì có thể đối diện với việc bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Mới đây nhất, ngày 9/12, tại km24+980, hướng Lào Cai - Nội Bài, đoạn qua xã Kim Long, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, chị Tống Thị Thu H (44 tuổi, trú tại Tam Đảo) đã tử vong do đi bộ qua cao tốc và thiếu quan sát nên bị xe ô tô do anh Trần Công P (27 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) tông trúng. Cú đâm mạnh, không phanh kịp bởi tài xế bị khuất tầm nhìn xe bên phải tại quãng đường không cho phép sang đường hay giảm tốc.
Những vụ tai nạn tương tự xảy ra cùng nguyên do, gây hậu quả thương tâm là điều mà không ai mong muốn. Pháp luật cũng đã quy định rất rõ về phần đường dành cho người đi bộ, quyền và nghĩa vụ, chế tài xử phạt đối với người đi bộ khi tham gia giao thông.
Vậy nên, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh, mỗi người dân khi tham gia giao thông, dù đi bộ hay sử dụng bất kỳ phương tiện nào cũng cần chú ý quan sát, giữ khoảng cách với các phương tiện khác và phải có ý thức nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông .
Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/di-bo-vao-duong-cao-toc-se-bi-xu-phat-ra-sao-p9677.html