Hát Mường - Nét đẹp văn hoá cần được gìn giữ

Với trên 27.000 người dân tộc Mường sinh sống trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã thành lập nhiều CLB hát giao duyên tiếng Mường nhằm giữ gìn, phát huy nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Tuy nhiên, hiện các CLB này đang gặp phải nhiều khó khăn...

Hiện có trên 27.000 người là đồng bào dân tộc Mường sinh sống tại tỉnh Ninh Bình, chủ yếu tại huyện Nho Quan ở các xã: Kỳ Phú, Cúc Phương, Thạch Bình, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương, Xích Thổ và xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp. Những CLB hát giao duyên tiếng Mường tại các địa phương này đang gặp phải không ít khó khăn về kinh phí phục vụ tập luyện và biểu diễn như việc mua sắm đồng bộ trang phục, đạo cụ, nhạc cụ,…và các khoản chi phí khác.

tin-100-15-33-09still044-1675072889.jpg
Hoạt động hát giao lưu tiếng Mường mang lại nhiều niềm vui, tiếng cười cho bà con nhân dân

Bà Quách Thị Hạnh, thôn Sấm 3, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình bộc bạch: "Thôn Sấm 3 chúng tôi ở xa xôi nhất trong xã Cúc Phương gặp nhiều khó khăn, cũng phải đi vận động bà con, chị em vào CLB. Chúng tôi mong muốn ở trên giúp đỡ chúng tôi về các khoản như kinh phí để thu mua lại các nhạc cụ để có nề nếp văn hoá truyền thống."

Các CLB hát giao duyên tiếng Mường tại Ninh Bình đang hoạt động trên tinh thần tự nguyện nên các thành viên phải tự chuẩn bị trang phục, đạo cụ biểu diễn truyền thống và duy trì tập luyện mỗi tháng một lần; tích cực tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ tại địa phương và biểu diễn phục vụ khách du lịch có nhu cầu thưởng thức văn hóa dân tộc Mường. Qua đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giúp đồng bào dân tộc Mường hiểu rõ những giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 

tin-100-16-32-18still043-1675072889.jpg
Phong tục hát Mường cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển

Bà Bùi Thị Ân, Chủ nhiệm CLB hát giao duyên tiếng Mường, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết: "CLB có rất nhiều khó khăn, trước hết là về kinh phí; về con người trước hết để trao đổi, đưa lại các bài hát, câu ca cổ cho hội viên lớp trẻ học nhưng các cụ cũng đã già, khó khăn đi lại; lớp trẻ đang lứa tuổi thanh niên đi làm ăn xa cũng không gặp được trực tiếp. Tôi chỉ mong muốn bây giờ, truyền dạy cho các thế hệ đang học lớp 7, lớp 8, 9 thì đưa vào nhà trường để dạy cho các cháu biết được nguồn cội và các bài hát về bản sắc dân tộc. "

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hiện các địa phương tại Ninh Bình đã và đang tham mưu và cùng với các cấp, các ngành có những giải pháp tích cực, như khôi phục lại một số ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường; mua sắm thêm một số dụng cụ như cồng, chiêng, nỏ; hỗ trợ, động viên các CLB thành lập và đi vào hoạt động nề nếp; quan tâm đến phát triển thành viên, nhất là việc thu hút các thành viên trong độ tuổi thanh niên; sưu tầm, biên tập lưu giữ các làn điệu dân vũ, hát giao duyên,…từng bước khắc phục những khó khăn.

Thạch Thảo - An Nhiên

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/hat-muong-net-dep-van-hoa-can-duoc-gin-giu-p9679.html