Cuối tháng 7/2022, anh Nguyễn Văn Tuấn, trú tại thôn Kênh Phố, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, điều khiển xe gắn máy, chở anh Nguyễn Văn Đài, trên đường di chuyển thì gặp 1 đàn trâu khoảng 40 con đi trên đường, không người trông giữ. Bất ngờ, đàn trâu lồng lên rồi húc thẳng vào xe gắn máy của anh Tuấn đang lưu thông, làm anh Tuấn tử vong tại chỗ, còn anh Đài bị thương tích.
Trường hợp trên chỉ là một trong nhiều vụ việc tương tự đã từng xảy ra ở các địa phương những năm qua. Có những vụ việc khiến người đi đường chấn thương, phương tiện hư hỏng nặng, thậm chí tử vong.
Đáng lo ngại hơn, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền pháp luật song cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định ở Khoản 2, Điều 34: “Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới”. Bên cạnh đó, điểm c, Khoản 2, Điều 35 nêu ra một trong số những hành vi không được thực hiện là: “Thả rông súc vật trên đường bộ”.
Theo Điều 7 Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác thì còn có thể bị phạt từ 1.000.0000 - 2.000.000 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu chủ vật nuôi không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn, dẫn dắt vật nuôi đi vào đường giao thông gây tai nạn, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật dân sự hiện hành.
Trong trường hợp chủ vật nuôi thả hoặc dẫn dắt vật nuôi đi trên đường gây tai nạn chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp vô ý làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Để hạn chế việc vật nuôi được thả rông gây tai nạn giao thông, người chủ cần có ý thức hơn trong việc quản lý vật nuôi, không chăn, thả trên đường. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc.
Phong Hào - Quốc Long
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/tha-rong-vat-nuoi-gay-tai-nan-giao-thong-co-the-bi-phat-tu-10-nam-p9704.html