Đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và mọi người dân.
Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm khoảng 70% tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua. Một trong các nguyên nhân chính đến từ bất cập trong công tác thu hồi đền bù, GPMB khi thực hiện dự án.
Thực tế tại nhiều địa phương, việc thu hồi đất tại các dự án để xảy ra nhiều bất cập như: Bồi thường không thỏa đáng, thiếu công khai, dân chủ, áp đặt phương án bồi thường... khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, một số địa phương dù còn quỹ đất nhưng lại đền bù cho người dân bằng tiền, thiếu sự đồng thuận. Từ đó, dẫn đến kiện cáo kéo dài, gây mất ANTT địa phương.
Ngày 10-8-2022, UBND huyện Thanh Trì ra Thông báo số 506, thu hồi 14.090,4 m2 đất nông nghiệp ở khu đất Hậu Trại của 21 hộ gia đình, cá nhân tại xã Vạn Phúc để thực hiện Dự án xây trường THCS Vạn Phúc (có địa chỉ ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), với phương án đền bù bằng tiền.
Trong 21 hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi, thì đa số thu hồi 100% diện tích đất. Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tý bị thu hồi 1201,5m2, phương án hỗ trợ và bồi thường bằng tiền, với tổng số tiền được nhận là 1.077.083.000 đồng. Hộ gia đình bà Trương Thị Ninh, bị thu hồi 1012.0m2, phương án bồi thường bằng tiền, tổng số tiền được nhận là 939.040.000 đồng.
Dự án xây mới trường học, nâng cao chất lượng học tập của con em địa phương là điều đáng mừng với bà con, nhân dân xã Vạn Phúc. Tất cả bà con đều đồng tình, ủng hộ dự án, đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, một số người dân bày tỏ nguyện vọng được xem xét phương án bồi thường bằng quỹ đất cùng loại theo quy định của Luật Đất đai.
Bà Trương Thị Ninh, hộ gia đình có đất bị thu hồi, cho biết: “Chính sách của nhà nước thì chúng tôi rất là ủng hộ, chấp nhận để làm trường học cho các cháu để có tương lai sau nay. Thế nhưng, bây giờ còn đất thì chia cho chúng tôi để lấy kế sinh nhai, nuôi con cháu mai sau này. Chứ bây giờ thu hết, được mấy trăm bạc, đóng học phí thì sau này con cháu chúng tôi đi ăn mày à?”
Bà Phạm Thị Thư, chia sẻ: “Đất cũ còn thì chia cho chúng tôi, để chúng tôi lấy đất làm nông nghiệp, sinh sống. Hoặc quỹ đất của thôn xã còn nhiều, thì lấy quỹ đất của xã chia cho nhân dân làm nông nghiệp để sinh sống. Chúng tôi không cần bồi thường, đất chúng tôi trồng xen canh, mùa nào cũng trong cây, quả, cũng có thu nhập. Bây giờ lấy hết thì chúng tôi không còn mét đất nông nghiệp nào để sinh sống”.
Theo các hộ dân, ở địa phương hiện nay còn một số khu vực đất nông nghiệp chưa sử dụng, có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi.
Bà Nguyễn Thị Thủy, biết thêm: “Trước khi dồn điền đổi thửa, UBND xã đã chừa lại hơn 8.000m2 diện tích đất để xây trường học rồi. Sau khi dồn điền đổi thửa thì chia đất cho chúng tôi ở bên kia, nhưng đến nay làm trường học thì thu hồi đất của chúng tôi để làm, còn đất giữ làm trường thì chỉ lấy một nửa để làm”.
Ông Phạm Văn Hinh, cho biết thêm: “Tháng 6-2022, xã mời nhân dân ra bảo lấy đất ở ngoài này của chúng tôi để làm trường học. Tôi hỏi, nếu mà làm trường học thì làm bao nhiêu m2, họ mới bảo thu của chúng tôi là hơn 14.000 m2, cộng với 4.000 m2 ở chỗ cũ là hơn 18.000 m2. Chúng tôi mới hỏi còn 4.000 m2 chỗ cũ thì ở đâu, xã nói sẽ làm nhưng chưa biết làm gì”.
Theo nguồn tin riêng của PV, hiện tại UBND huyện Thanh Trì đang giao các phòng ban chuyên môn phối hợp với UBND xã Vạn Phúc làm việc với người dân về các nội dung kiến nghị.
Việc chính quyền địa phương chủ động, khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị của người dân là biểu hiện của sự công khai, dân chủ. Thông qua đối thoại sẽ có được sự đồng thuận cao giữa các bên, đảm bảo hài hòa lợi ích của cá nhân và xã hội. Đây cũng là “chìa khóa vàng” trong công tác thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Phong Hào
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/cong-khai-dan-chu-la-chia-khoa-vang-trong-cong-tac-thu-hoi-den-bu-giai-phong-mat-bang-p9706.html