Cụ thể, Dự án đường từ trục phát triển kinh tế phía nam TP Hà Nội đi QL38 tỉnh Hà Nam; Dự án đường nối từ tỉnh lộ 426 với đường trục phát triển phía nam thủ đô Hà Nội và Dự án kênh tưới kết hợp đường giao thông khu chuyển đổi thuộc thôn Giang Triều có chiều dài hàng chục km, tổng mức đầu tư cả trăm tỷ đồng đi qua xã Đại Cường và xã Trầm Lộng… huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội.
Dự án do Ban quản lý (BQL) Dự án đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Tây Thăng Long. Còn đơn vị thi công là Công ty TNHH Hưng Thịnh, Công ty CP xây dựng cầu đường Hà Nội.
Dự án phần lớn là trùng tu, mở rộng tuyến đường cũ và xây dựng mới một số tuyến đường. Trong đó, nhiều đoạn đường đi qua cánh đồng lúa, đất nông nghiệp của người dân.
Thay vì thi công đứt đoạn, “cuốn chiếu”, dự án đang được thi công dàn trải, nhiều km đều đang trong tình trạng đổ đất, san lấp mặt bằng, các xe trọng tải lớn chở VLXD có dấu hiệu quá tải, quá khổ liên tục ra vào không được tưới nước, không được che đậy cẩn thận, bụi bay mù mịt khiến người dân bức xúc.
Bên cạnh đó, theo quan sát của PV, tại công trường dù đất thải, vật liệu xây dựng được tập kết nhiều nơi, mặt đường được đào bới nham nhở nhưng không có rào chắn, không có biển cảnh báo… hay đèn tín hiệu nào theo quy định nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm.
Đặc biệt hơn, nhiều hạng mục dù đơn vị thi công đã hoàn thành như kè đường, mương nước, cột mốc… đều có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng. Hàng trăm vết nứt kéo dài, cong vênh, thậm chí còn được chắp vá một cách nham nhở khiến người dân lo lắng về sự an toàn của cả tuyến đường.
Ngày 30/12/2022, PV đã thông tin qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Ứng Hòa. Ông Thao cho biết phía Ban quản lý dự án quản lý về chất lượng của công trình và giải thích về các vết nứt như sau: “Có thể là một vị trí nào máy móc thi công nó va vào nó làm sứt ra thì thì nhà thầu sẽ phải khắc phục trước khi nghiệm thu, bàn giao".
Về việc đơn thi công có dấu hiệu không đảm bảo an toàn khi thi công thì ông Thao từ chối trả lời và cho biết sẽ kiểm tra lại.
Theo Điều 109, Luật Xây dựng 2014 thì nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật. Xung quanh khu vực công trường xây dựng phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bảo đảm ngăn cách giữa phạm vi công trường với bên ngoài.
Còn theo Điều 14, Nghị định 06/2021 của Chính phủ thì Chủ đầu tư có trách nhiệm: Thực hiện giám sát thi công xây dựng; Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không đảm bảo an toàn lao động.
Ngoài ra, theo Điều 295, Bộ luật hình sự 2017 sửa đổi, thì người phạm tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động…, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 đến 5 năm.
Trong thực tế, nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng nhưng thiếu quản lý, giám sát dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng như kỳ vọng. Khi dự án mới nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng phải sửa chữa tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước.
Từ những vấn đề bất cập trên, UBND huyện Ứng Hòa, UBND TP Hà Nội cần sớm thanh kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý để dự án được thực hiện theo đúng thiết kế, đúng chất lượng, đây cũng là tâm tư, nguyện vọng của những người dân nơi đây.
(Còn tiếp)
Quốc Long - Phong Hào