Vi phạm đất đai, xây dựng vùng ven đô: (Bài 2) “Vùng cấm” ở huyện Phúc Thọ

Để bảo vệ môi trường, đất đai và cho phù hợp với quy hoạch, pháp luật đã quy định rất chặt chẽ các điều kiện để xây dựng trạm trộn bê tông. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tại vùng ven đô Hà Nội, những trạm trộn bê tông trái phép vẫn mọc lên ngày một nhiều nhưng chưa có biện pháp xử lý.

Theo Luật xây dựng 2014, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và một số các quy định liên quan thì để xây dựng một trạm bê tông và đi vào hoạt động phải đảm bảo rất nhiều điều kiện theo quy định như: Phải đúng quy hoạch, có giấy phép xây dựng, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy… đặc biệt phải có hệ thống, phương án xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Quy định và chế tài xử lý đã rất rõ, nhưng từ lâu nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp vẫn xem nhẹ những quy định này, bất chấp quy định để kinh doanh khi chưa có đủ cơ sở pháp lý.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng chục trạm trộn bê tông lắp đặt trong hành lang thoát lũ sông Hồng, sông Đuống và sông Đáy; trong đó nhiều trạm trộn chỉ được cấp giấy phép tạm và không có giấy phép. Để bảo đảm an toàn tuyến đê trong mùa mưa bão, các hạt quản lý đê đã lập biên bản đề nghị xử lý. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc nhưng hiện nay nhiều địa phương chưa xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. 

Chưa kể đến nhiều trạm trộn khác, dù không nằm trong hành lang thoát lũ nhưng lại xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa có đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan.

Hàng năm, số trạm trộn bê tông vi phạm chưa được xử lý triệt để, thì một số trạm trộn khác lại tìm cách lách luật, mượn dự án “đẻ” ra thêm nhiều trạm trộn, với nhiều dấu hiệu vi phạm về đất đai, xây dựng, đặc biệt là hủy hoại môi trường khiến người dân bức xúc nhưng chính quyền sở tại lại có dấu hiệu buông lòng, đùn đẩy để né tránh trách nhiệm.

tcpk2321mp400-01-31-13still001-1678694727.jpg
Trạm trộn bê tông Việt Phát (huyện Thường Tín) hoạt động trên đất nông nghiệp, xả chất thải ra môi trường

Vụ việc trạm trộn bê tông Cường Thịnh trong Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội tồn tại gần 15 năm qua là một ví dụ.

Theo nghiên cứu, sau khi được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt vào năm 2007, giao đất và điều chỉnh năm 2008, dự án Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận có quy mô gần 250ha do Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh (Công ty Kim Thanh) làm chủ đầu tư.

Năm 2017, Công ty Kim Thanh có công văn số 26/CV-KT gửi UBND huyện Phúc Thọ xin xây dựng một trạm trộn bê tông thương phẩm và đã được lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ đồng ý, với điều kiện chỉ sử dụng trạm trộn bê tông để phục vụ trong dự án.

Sau đó, dù chưa có đầy đủ pháp lý, trạm trộn bê tông Cường Thịnh vẫn nhanh chóng được khởi công và hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm, bất chấp các quy định về đất đai, môi trường và xây dựng.

Cũng từ đó, trạm trộn bê tông Cường Thịnh trở thành “vùng cấm” ở huyện Phúc Thọ, đến nay cũng đã gần 15 năm.

a-hoan00-19-20-02still013-1678694727.jpg
Trạm trộn bê tông Cường Thịnh trở thành “vùng cấm” ở huyện Phúc Thọ, đến nay cũng đã gần 15 năm

Suốt các năm 2017; 2018 và 2019, UBND huyện Phúc Thọ đã gửi liên tiếp văn bản yêu cầu chủ đầu tư dừng toàn bộ hoạt động xây dựng, sản xuất bê tông và tháo dỡ toàn bộ công trình.

Năm 2019, Công ty CP Bê tông Cường Thịnh (trạm trộn bê tông Cường Thịnh) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”, việc này cũng không làm trạm trộn này chấp hành pháp luật .

Đến nay,  khu vực trạm trộn còn tập kết hàng vạn m3 đá, cát và đất thải, hàng trăm lượt xe chuyên chở bê tông thương phẩm phục vụ cho các công trình xây dựng bên ngoài dự án kéo theo bụi bay mù mịt, nước thải được khơi luồng xả thẳng ra sông Đáy khiến người dân bức xúc.

a-hoan00-20-39-11still011-1678694727.jpg
Cả trăm lượt xe bồn ra vào mỗi ngày, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Hồi tháng 10/2017, trả lời báo chí, ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (nay là Chủ tịch UBND xã) cho biết, từ khi trạm trộn bê tông Cường Thịnh về địa phương hoạt động cũng không thông báo gì với chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng xã cũng xuống kiểm tra và phát hiện nhiều tồn tại trong thực hiện các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, mới đây, ngày 2/3/2023, trao đổi qua điện thoại với PV Người đưa tin TV, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp lại có dấu hiệu đùn đẩy khi giới thiệu PV đến BQL dự án làm việc, và cho rằng trạm trộn bê tông Cường Thịnh nằm giáp ranh giữa 3 xã Tam Hiệp, Ngọc Tảo, Tam Thuấn chưa rõ ranh giới nên chưa có phương án xử lý.

Không rõ vì sao ông Chủ tịch xã Tam Hiệp lại “ngại” đơn vị vi phạm như vậy. Nhưng nếu nhìn vào gần 15 năm qua, cơ sở vi phạm vẫn sừng sững bất chấp pháp luật, bất chấp hàng loạt các văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền mới thấy “vùng cấm” này phức tạp thế nào.

Từ đó mới thấy, việc dư luận đồn thổi về một “ông lớn tên T” đứng sau cơ sở vi phạm này không phải là không có có căn cứ.

Quốc Long - Phong Hào

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/vi-pham-dat-dai-xay-dung-vung-ven-do-bai-2-vung-cam-o-huyen-phuc-tho-p9712.html