Như Người đưa tin TV đã thông tin: Một số hộ dân nằm trong khối 4 (thuộc thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), xả nước thải sinh hoạt chảy lênh láng ra ngõ, kéo theo mùi hôi tênh bốc lên nồng nặc, gây ảnh hưởng môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Cạnh đó, là hộ gia đình ông Nông Văn Nhít, thường xuyên giết mổ gia súc vào rạng sáng, ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của người dân.
Cả 2 vấn đề trên xảy ra trong suốt thời gian dài và nhiều lần người dân kiến nghị lên UBND thị trấn Cao Lộc và UBND huyện Cao Lộc. Chính quyền địa phương cũng đã có biện pháp xử lý, trong đó cả cả xử phạt hành chính. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Chính quyền đã vào cuộc…
Sau thời điểm báo chí phản ánh, UBND thị trấn Cao Lộc đã có văn bản trả lời đơn phản ánh của công dân, cũng như báo cáo UBND huyện Cao Lộc.
Theo đó, cơ sở ông Nông Văn Nhít, sau khi lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính, ngày 20/6/2023 UBND thị trấn phối hợp với Phòng TNMT huyện Cao Lộc, kiểm tra thực tế và nhận thấy ông Nhít đã xây thêm bể thu gom nước thải và che chắn chuồng trại.
Cơ quan chức năng yêu cầu gia đình ông Nhít đảm bảo vệ sinh môi trường, thường xuyên hút dọn bể và vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi lợn và giết mổ.
UBND thị trấn sẽ tiếp tục giám sát, nếu hộ ông Nhít tái phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Người đưa tin TV ghi nhận sự vào cuộc của UBND thị trấn Cao Lộc và cụm dân cư. Tuy nhiên, địa điểm cơ sở giết mổ gia súc của hộ ông Nông Văn Nhít nằm sát khu dân cư có đúng quy định, có thuộc diện phải di dời hay không, thì chính quyền địa phương cần đánh giá cụ thể và xử lý.
Ở một diễn biến mới ghi nhận, sau khi phản ánh các vi phạm về môi trường của cơ sở giết mổ gia súc, thì hộ dân có ý kiến đã bị một số đối tượng đưa xe tải đến chặn lối ra vào chính của gia đình. Lực lượng cảnh sát địa phương sau đó đã có mặt để xử lý.
Đòi hỏi làm cống nước thải qua đất đã có “sổ đỏ” của dân là vô lý
Sau khi có đơn thư kêu cứu của người dân, UBND thị trấn Cao Lộc đã khẩn trương phối hợp cùng khối trưởng mời các hộ dân liên quan họp tại UBND thị trấn.
Tại cuộc họp, đa số ý kiến thống nhất phương án lắp đường ống mới để đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm nước chảy tràn ra đường, ảnh hưởng đến cả ngõ. Đồng thời đưa ra phương án các hộ trực tiếp xả thải sẽ đóng góp 1.500.000 đồng, còn các hộ không xả thải nhưng chung ngõ sẽ đóng góp hỗ trợ 500.000 đồng. Nội dung đóng góp kinh phí, mức đóng góp là do khối phố và nhân dân đề xuất, trên cơ sở đó, các hộ dân cho ý kiến và thống nhất phương án để xử lý dứt điểm việc đặt ống nước thải.
Phương án đưa ra được cơ bản thành phần tham gia nhất trí, do vậy khối thống nhất phương án và cử ông Toàn Thanh Thứ là khối trưởng khối 4 và ông Bùi Văn Minh (công dân khối 4) đại diện các hộ dân để triển khai thực hiện lắp đặt ống nước thải sinh hoạt trên. Tuy nhiên, buổi làm việc vắng một số hộ gia đình, nên UBND thị trấn ban hành giấy mời lần 2, nhưng một số hộ này không đến.
Đến ngày 23/3/2023, xác định nhà nước và nhân dân cùng làm nội dung trên, UBND thị trấn đã mời đơn vị thi công xuống khảo sát và thực hiện thi công theo phương án đề xuất, để lắp đặt đường ống thoát nước mới. Tuy nhiên, một số người dân không đồng thuận cho đơn vị thi công trên triển khai, mà muốn đường cống nước thải đi qua thửa đất đã có sổ đỏ của hộ bà La Thị Hương, thay và xây dựng ở ngõ đi chung. Do vậy, chính quyền và khu dân cư chưa thực hiện lắp đặt đường ống dẫn nước thải mới cho các hộ gia đình trên.
Trong đó, hộ bà Nông Thị K., một trong những hộ gia đình thực hiện việc xả thải, không tham gia họp và đóng kinh phí, mà liên tiếp xả thải ra ngõ.
Bà La Thị Hương, sống tại khối 4, thị trấn Cao Lộc, bức xúc: “Phương án lắp đặt ống dẫn nước đã có rồi, thậm chí chúng tôi chịu đóng góp thêm tiền để cùng các hộ gia đình kia làm ống dẫn nước để tránh xả thải vào nhà tôi. Nhưng một số nhà không làm, mà lại đục tường để dẫn nước thải chảy vào đất nhà tôi. Vừa rồi khối trưởng khối 4 phải mang tiền đóng góp theo phương án đi trả lại cho từng nhà. Bây giờ ngày nào cũng có nước thải ra ngõ đi chung, làm ô nhiễm nặng nề tới môi trường. Mẹ tôi bệnh ngày càng nặng hơn cũng vì hít phải mùi hôi từ nước thải này, giờ nằm liệt giường rồi”.
Một vấn đề nhỏ, được các cấp chính quyền từ huyện đến thị trấn và khu dân cư vào cuộc, đa số nhân dân đều đồng tình, ủng hộ với phương án lắp đặt đường ống dẫn nước ở ngõ đi chung. Tuy nhiên, chỉ vì vài cá nhân thiếu tình làng nghĩa xóm, thiếu tinh thần đoàn kết mà cả khu dân cư bị ảnh hưởng.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, chính quyền địa phương cũng như cụm dân cư phải đặc biệt chú trọng công tác dân vận, nhằm tuyên truyền để một số hộ dân chưa đồng thuận cần hiểu và hợp tác với chính quyền và khu dân cư. Nếu công tác dân vận đã thực hiện, mà một vài cá nhân vẫn ích kỷ, coi thường lợi ích tập thể, thì phải mạnh tay, cương quyết xử lý các hành vi xả thải ra môi trường.
Việc xây dựng cống thoát nước ở ngõ đi chung là việc cần làm, chỉ là sớm hay muộn và cũng không thể vì một vài cá nhân chưa đồng thuận mà phải dừng lại. Để đảm bảo môi trường và văn minh đô thị, cần tính phương án khu dân cư và chính quyền cùng làm. Các hộ chưa đồng thuận có quyền không đóng góp, cũng đồng nghĩa với việc không được sử dụng cống thoát nước của tập thể, nước thải của họ hãy cứ để trong gia đình họ.
(Còn tiếp)
Phong Hào
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/xu-ly-vi-pham-moi-truong-o-cao-loc-lang-son-bai-2-chinh-quyen-can-xu-ly-quyet-liet-hon-p9786.html