Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển: (Bài 1) Từ cao nguyên hoang sơ đến thành phố du lịch nổi tiếng

Tháng 12/2023, UBND thành phố Đà Lạt sẽ long trọng tổ chức Tuần lễ hoạt động kỷ niệm “Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển”. Từ một vùng đất hoang sơ trên cao nguyên Lâm Viên, trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, cùng sự lao động sáng tạo của người Đà Lạt đã tạo nên một thành phố du lịch nổi tiếng, trở thành một điểm đến quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế

Theo Địa chí Đà Lạt, vùng đất cao nguyên này được khám phá bởi bác sĩ Alexandre Yersin vào năm 1893. Từ giữa thập niên 1910, địa giới hành chính của Đà Lạt được xác định về mặt pháp lý khi Hội đồng nhiếp chính Triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt ngày 20/4/1916, và công cuộc kiến thiết mới thực sự bắt đầu.

d3dea2d614d7c7899ec65-1690184468.jpg
Vùng đất Đà Lạt từ thuở sơ khai

Sau hàng trăm năm, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Đà Lạt dần vươn mình trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế. Năm 2009, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I, tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, góp phần tích cực phát triển vùng Tây Nguyên nhanh và bền vững.

cf516271d470072e5e613-1690184468.jpg
Đà Lạt được Chính phủ công nhận đô thị loại 1 vào năm 2009

Giờ đây, TP Đà Lạt đã là thành phố du lịch nổi tiếng, thành phố ngàn hoa đang trong giai đoạn xây dựng thành phố thông minh, đô thị di sản, tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO lĩnh vực Âm nhạc, trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí cấp vùng. Giai đoạn 2022-2024, Đà Lạt được công nhận là "Thành phố Du lịch sạch ASEAN", là top 6 điểm đến hẹn hò lãng mạn nhất thế giới, theo bình chọn của trang đặt phòng quốc tế Booking.com.

2c3a1c0caa0d7953201c2-1690184468.jpg
Đà Lạt được mệnh danh là "phố ngàn hoa"

Theo UBND TP Đà Lạt, trong năm 2022 tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt đạt 6 triệu lượt tăng 205% so với năm 2021; trong đó khách quốc tế ước đạt 135.000 lượt. Toàn TP.Đà Lạt hiện có 2.437 cơ sở lưu trú du lịch, với 31.152 phòng. Trong đó, có 367 khách sạn từ 1-5 sao với 10.752 phòng. Bên cạnh đó, có trên 1.014 cơ sở kinh doanh nhà hàng - ăn uống, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong 6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch đến Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 24,1% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 21.030,32 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

4f32aa3c1c3dcf63962c4-1690184468.jpg
Đà Lạt ngày nay trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam, thu hút nhiều du khách quốc tế

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, Đà Lạt vẫn còn đó những vấn đề nổi cộm liên quan đến quy hoạch xây dựng, bảo tồn di sản, không gian văn hóa và cộng đồng. Sự phát triển đô thị nhanh đã đi kèm những vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, mật độ beton hoá lấn át mảng diện tích rừng thông, nhà kính phát triển tràn lan mất kiểm soát, tình trạng ngập lụt sau mưa …v..v … là những thách thức không hề nhỏ mà chính quyền và nhân dân TP Đà Lạt cần nhìn lại để định hình phát triển tương lai.

Xuân Quý - Thành Vinh - Anh Đức

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/da-lat-130-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-bai-1-tu-cao-nguyen-hoang-so-den-thanh-pho-du-lich-noi-tieng-p9800.html