Thành phố Đà Lạt được ví như “bảo tàng kiến trúc quốc gia” với khoảng hơn 2.000 ngôi biệt thự cổ nằm rải rác ở nhiều khu vực khác nhau, trong đó có thể kể đến như khu biệt thự đường Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, …và còn rất nhiều những biệt thự ẩn mình trong các con đường hẻo lánh phủ bóng thông xanh.
Do đặc điểm khí hậu se lạnh, mưa nhiều nên các biệt thự đều có chung thiết kế với nhà với mái dốc, ống khói và cửa sổ mái. Ngoài những đặc trưng chung đó thì phần lớn các biệt thự có những cách điệu riêng để thể hiện sự độc đáo của gia chủ. Đến nay, một số công trình đã trở thành biểu tượng của Đà Lạt như Nhà thờ Con Gà, Ga Đà Lạt, Dinh Bảo Đại, trường Cao đẳng sư phạm, Khách sạn Đà lạt Palace…
TP Đà Lạt được bác sỹ Alexandre Yersin tìm thấy trong một chuyến thám hiểm vào ngày 21/6/1893, và sau đó được chọn là nơi nghỉ dưỡng cho quan chức và cộng đồng người Pháp tại Việt Nam, nơi có khí hậu tương tự như vùng ôn đới châu Âu. Các công trình kiến trúc nơi đây vì thế cũng đều chịu ảnh hưởng của những trường phái kiến trúc đậm nét châu Âu, đồng thời đều tuân theo một quy tắc chung, với số tầng không vượt quá ba tầng, xung quanh có khuôn viên rộng trồng cây cối, hoa cỏ, không gian thoáng đãng…Ở thời kỳ thịnh vượng, Đà Lạt còn được biết đến với tên gọi Thủ đô Mùa hè của Đông Dương.
Sau thăng trầm của thời gian, các căn biệt thự này đều có những số phận riêng biệt, có những căn được trưng dụng trở thành văn phòng nhà nước, một số khác trở thành resort, hoặc thuộc sở hữu tư nhân, nhiều căn khác chịu số phận hẩm hiu, bị bỏ hoang cùng năm tháng. Dù vậy, những căn biệt thự này vẫn là chứng nhân lịch sử của Đà Lạt từ thuở sơ khai.
Xuân Quý - Thành Vinh