Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, sau khi dẫn một nhóm học sinh vào bể bơi thực hành, ông Trần Lâm Thắng (24 tuổi) – giáo viên dạy bơi đã để cho các học sinh tự do bơi. Trong suốt tiết học, ông Thắng không hướng dẫn, quản lý mà chỉ ngồi một vị trí, thường xuyên sử dụng điện thoại di động. Do đó, ông Thắng đã không phát hiện việc em A. bị đuối nước.
Sau tiết học, nhân viên nhà trường phát hiện em A. đã nằm bất động dưới đáy bể tại khu vực có mực nước sâu 1,55m. Một số giáo viên trong trường đã đưa em A. vào bệnh viện cấp cứu, tuy nhiên em A. đã tử vong ngoại viện.
Sau khi sự việc đau lòng này xảy ra, nhiều người bày tỏ lòng thương tiếc với gia đình nạn nhân. Đồng thời cũng đề cập đến trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên bộ môn.
Theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây nên hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù đến 05 năm.
Dù đã có luật định, nhưng các vụ việc liên quan đến tai nạn học đường dẫn đến hậu quả thương tâm như vụ học sinh tử vong trên xe đưa đón của trường, trẻ mầm non bị gãy chân…hay như sự việc trên vẫn xảy ra khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Nhà trường là nơi dạy dỗ và quản lý học sinh trong suốt thời gian lên lớp, vậy khi tai nạn xảy ra, dù do chủ quan hay khách quan thì nhà trường cũng phải là người có trách nhiệm đầu tiên.
Thu Trang
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/hoc-sinh-bi-tai-nan-trong-gio-hoc-ai-la-nguoi-chiu-trach-nhiem-p9823.html