"Vụ án New City Phố Nối" (Bài 5): Luật sư và bị hại bất ngờ trước sự thay đổi quan điểm của VKS và HĐXX

Sau gần 1 tháng tạm hoãn, ngày 22/9/2023, tại TAND tỉnh Hưng Yên, Hội đồng xét xử cấp cao TP Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của gần 100 bị hại của vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” diễn ra tại Dự án KĐT New City Phố Nối. HĐXX bác bỏ đơn kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm, khiến các bị hại không hài lòng.

Theo hồ sơ vụ án, Dự án KĐT New City Phố Nối được UBND tỉnh Hưng Yên giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản và Thương mại Dịch vụ Thăng Long (Cty Thăng Long) làm chủ đầu tư .

Dù dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chủ đầu tư và các công ty môi giới như TVT Land đã quảng cáo rao bán. Tin theo những lời quảng cáo đầy hấp dẫn và cam kết lợi nhuận cao, nhiều nhà đầu tư đã tin tưởng “xuống tiên” tạo cơ hội cho Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch HĐQT) và Đỗ Đức Hội (Tổng giám đốc) Công ty TVT Land, lừa ký hợp đồng cho nhiều khách hàng trên cùng một lô đất, chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng của 158 khách hàng.

Sau đó, Thanh và Hội bị Công an tỉnh Hưng Yên khởi tố về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử tuyên án chung thân với Nguyễn Văn Thanh, tuyên 20 năm tù đối với Đỗ Văn Hội với tội danh “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Buộc Thanh và Hội phải trả cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt.

Không đồng ý với bản án, hơn 80 bị hại đã có đơn kháng cáo, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để làm rõ trách nhiệm hình sự của Cty Thăng Long, đồng thời làm rõ dòng tiền Thanh, Hội chiếm đoạt sử dụng vào mục đích gì, thu hồi để bồi thường cho các bị hại.

cb3202bc932b47751e3a-1696843206.jpg
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại dự án New city Phố Nối

Ngày 14/8/2023, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm. Căn cứ vào diễn biến phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát cấp cao, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập một số tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo cũng như các bị hại.

Ngày 22/9/2023, phiên tòa phúc thẩm diễn ra sau thời gian tạm hoãn. Nhiều cá nhân, tổ chức liên quan như Công ty Thăng Long, những người giữ các bản hợp đồng gốc điều không có mặt. HĐXX vẫn tiến hành xét xử.

Quan điểm của VKS cấp cao là giữ nguyên bản án sơ thẩm, vụ án sẽ được tách thành 2 giai đoạn. Việc mở rộng điều tra trách nhiệm hình sự của Công ty Thăng Long và làm rõ nguồn tiền chiếm đoạt sẽ tiến hành làm vào giai đoạn 2 của vụ án.

Phía luật sư bào chữa cho bị cáo không đồng tình với quan điểm của VKS cấp cao và cho rằng, việc tách điều tra hành vi của Công ty Thăng Long, không gộp vào vụ án này sẽ làm khó khăn cho việc làm rõ bản chất của vụ án. Bởi công ty Thăng Long đang sai từ đầu, khi đưa các lô đất chưa đủ điều kiện pháp lý ra giao dịch. Còn Công ty TVT Land chỉ là bên thực hiện, môi giới. Giữ vai trò chính của vụ án này là Công ty Thăng Long, nếu tách ra sẽ đẩy vai trò của bị cáo Thanh và bị cáo Hội từ vai trò thứ yếu lại trở thành vai trò chủ yếu. 

Ngoài ra, tại phiên tòa, tất cả các bị hại và luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại đều không đồng ý với quan điểm của VKS cấp cao. Đồng thời giữ nguyên quan điểm, đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm.

Sau thời gian nghị án, Hội đồng xét xử cấp cao TP Hà Nội, Thẩm phán Vũ Thị Thu Hà - Chủ tọa phiên tòa tuyên án bác bỏ kháng cáo của các bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

70fe7e0bef9c3bc2628d-1696843206.jpg
Tất cả các bị hại có đơn kháng cáo đều không hài lòng với kết quả xét xử cấp phúc thẩm

Bị hại Đỗ Khắc Cường, cho biết: “Chúng tôi không hài lòng và rất bức xúc, 198 tỷ trong vòng 2 năm trời chúng tôi trông chờ để lấy lại số tiền ấy để trả nợ lãi suất ngân hàng hằng ngày mà giờ kết án này là chúng tôi không hài lòng một chút nào”.

Bị hại Đỗ Xuân Thu, cho biết: “Tôi có thắc mắc là, 198 tỷ của Thanh và Hội chiếm đoạt hiện đi đâu và về đâu. Những lô đất hiện chưa rõ ràng và minh bạch từ sơ thẩm đến phúc thẩm vẫn y bản án như vậy. Tòa phúc thẩm xử như vậy là không công bằng và minh bạch”.

Bị hại Nguyễn Thị Kha, cho biết: “Lần trước VKS nói hoãn để mời các bên liên quan, nay những người liên quan không có mặt vẫn xét xử và đưa quan điểm giữ nguyên bản án sơ thẩm. Cái thứ 2, tại phiên tòa luật sư đưa ra ghi âm là chứng cứ thể hiện mối liên quan giữa TVT Land và Công ty Thăng Long nhưng không được tòa đồng ý. Như thế chúng tôi không nhất trí, xử như hôm nay không có hiệu quả mà có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”. 

d8397cc8ed5f3901604e-1696843206.jpg
Dự án chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng chủ đầu tư là Cty Thăng Long đã giao dịch

Bị hại Dương Thị Thủy, cho biết: “Phiên phúc thẩm lần trước VKS và HĐXX đã tạm hoãn phiên tòa để triệu tập các bên liên quan như công ty Thăng Long và một số các nhân khác. Tuy nhiên đến phiên phúc thẩm hôm nay những người đấy không có mặt, nhưng VKS và HĐXX vẫn tiến hành xét xử, như vậy là không thống nhất quan điểm giữa lần trước và lần này. Việc này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của bị hại chúng tôi”.

Luật sư Nguyễn Thị Tình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bày tỏ quan điểm sau phiên tòa: “Quan điểm của VKS tại buổi xét xử ngày 14/8/2023 là rất gay gắt, đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, buổi xét xử hôm nay quan điểm của VKS hoàn toàn khác. Đây là sự thay đổi thái độ đáng kinh ngạc, khiến cho chúng tôi có nhiều câu hỏi đặt ra, khi mà chỉ trong 1 thời gian ngắn quan điểm của VKS đã thay đổi hoàn toàn”.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: “Như đã trình bày tại phiên tòa, vụ án có rất nhiều dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nhiều sai sót trong quá trình điều tra và truy tố, chưa làm rõ dòng tiền 200 tỷ, 89 tỷ chuyển cho công ty Thăng Long. Kết quả phiên tòa hôm nay là một thiệt hại nghiêm trọng cho bị hại, cũng như việc tìm lại nguồn tiền để trả lại cho bị hại là không đảm bảo”.

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/vu-an-new-city-pho-noi-bai-5-luat-su-va-bi-hai-bat-ngo-truoc-su-thay-doi-quan-diem-cua-vks-va-hdxx-p9858.html