Bài 2: Nhận diện các thủ đoạn cạnh tranh thiếu lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh gas

Gas là loại mặt hàng kinh doanh đặc thù có điều kiện, đem lại lợi nhuận cao, chính vì thế nhiều cá nhân, tổ chức đã bất chấp pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn nhằm cạnh tranh không lành mạnh nhằm dìm các doanh nghiệp đối thủ và thu lợi bất chính.

Thay vì việc cải thiện dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm để mang đến cho khách hàng những sản phẩm với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh thì một số cá nhân, tổ chức lại sử dụng những chiêu trò nhằm hãm hại doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, để chiếm lĩnh thị trường.

Trên thực tế đã có nhiều các cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas cả về hành chính lẫn hình sự. Các vi phạm chủ yếu như: Sang chiết nạp gas trái phép sản xuất hàng giả; chiếm giữ vỏ bình trái phép, thu giữ vỏ bình gas của thương hiệu khác rồi sang chiết gas kém chất lượng vào đem đi bán; cắt tai mài vỏ bình gas của thương hiệu khác rồi sơn lại biến thành của mình,.... 

50c8dfe5e20b35556c1a-1698405566.jpg
Nhiều thủ đoạn mới được PV Người đưa tin TV ghi nhận được trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Trong nhiều năm qua, nhóm PV Người đưa tin TV đã nghiên cứu, tìm hiểu nhiều về lĩnh vực kinh doanh gas. Trong đó có vụ việc, một “ông trùm” gas lậu ở miền Tây có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Hành vi của “ông trùm” này là lấy gas của mình chiết nạp vào các bình gas của hãng khác mà không có ký kết hợp đồng, sau đó dán niêm màng co và tem chống giả của các nhãn hiệu đó rồi bán ra thị trường, thu lời bất chính nhiều tỷ đồng. 

Tòa đã xử phạt “ông trùm” 8 năm 6 tháng tù, đây là cái giá rất đắt phải trả cho hành vi làm giả các thương hiệu gas khác để thu lợi bất chính.

Hay như đầu năm 2020, nhóm PV Người đưa tin TV cũng đã bám sát một vụ việc tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội và phối hợp cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng. Khi nhóm đối tượng đang miệt mài sang chiết nạp gas không rõ nguồn gốc, gas kém chất lượng sang các vỏ bình gas có thương hiệu nổi tiếng thì bị công an bắt quả tang. Hành vi trên không chỉ thu lời bất chính mà còn làm lũng loạn thị trường tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân khi sử dụng hàng hóa trôi nổi.

777b6e552bbbfce5a5aa-1698309314.jpg
Hàng vạn bình gas ở Hà Giang đang bị "giam" bởi ai thì chưa rõ

Một thủ đoạn nữa mà nhóm PV Người đưa tin TV từng ghi nhận đó là hành vi cắt tai mài vỏ. Tức là cá nhân hoặc doanh nghiệp làm ăn gian dối, có hành vi thu giữ vỏ bình gas của hãng khác rồi cắt tai bình, mài logo sau đó đem đốt, sơn lại để “phù phép” thành bình gas của mình, đem chiết nạp gas bán ra thị trường.

Việc này sẽ làm vỏ bình gas mỏng hơn và có nguy cơ cháy nổ cao. Hành vi này có dấu hiệu của việc trộm cắp, hủy hoại tài sản, làm doanh nghiệp khác mất bình gas, giảm sản lượng trên thị trường.

Một thủ đoạn khác là hành vi "giam" bình, là thủ đoạn phổ biến mà các cá nhân, tổ chức hay sử dụng để thu gom vỏ bình gas của doanh nghiệp đối thủ sau đó tập kết, cất dấu khiến doanh nghiệp khác không có bình gas để chiết nạp, bán ra thị trường.

Mới đây, nhóm PV Người đưa tin TV cũng đã có nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường gas tại tỉnh Hà Giang và phát hiện thêm một số thủ đoạn mới, rất tinh vi.

Lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã phát hiện một kho chứa vài chục ngàn bình gas trên một thửa ruộng, tại thôn Tân Đức, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên. 

Hầu hết các bình gas tại đây thuộc sở hữu của các doanh nghiệp gas có trụ sở tại Hà Nội. Điều bất ngờ là khi cơ quan chức năng kiểm tra, thì kho chứa bình gas  lại không có cá nhân, tổ chức nào đứng ra nhận. Cục QLTT cho biết kho chứa bình gas thuộc diện “vô chủ”.

Với việc “giam” bình gas kiểu này thì các doanh nghiệp chủ sở hữu sẽ bị thiệt hại rất nghiêm trọng. Sản lượng của doanh nghiệp cũng bị tụt giảm, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế.

Trong vụ việc này, nhóm đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi đến mức, sau nhiều ngày, tháng, Cục QLTT tỉnh Hà Giang vẫn “bó tay” chưa thể tìm ra cá nhân, tổ chức nào có hành vi gom bình của các doanh nghiệp về kho chứa này.

Một kho chứa bình gas khác có địa chỉ tại Km 22, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên cũng được lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang phát hiện. Theo tìm hiểu, hàng vạn vỏ bình gas lưu giữ tại kho này cũng thuộc sở hữu của các doanh nghiệp gas có trụ sở tại TP. Hà Nội. Theo quan sát của PV, nhiều vỏ bình gas tại đây đã bị cây cối, dây leo mọc phủ kín lên trên, thể hiện thời gian tập kết số bình gas về đây đã từ rất lâu.

Theo nghiên cứu tìm hiểu của PV và theo thông tin của các doanh nghiệp chủ sở hữu số vỏ bình gas trên, thì giữa doanh nghiệp và một số đại lý có kí kết hợp đồng kinh doanh, nhưng điều khoản có ghi rõ là “chỉ được sử dụng bình gas cho mục đích kinh doanh” chứ không có điều khoản nào cho phép các đại lý được mang đi cầm cố, ký gửi hay mua bán với một bên thứ ba.

Tuy nhiên một số đại lý lại bắt tay với doanh nghiệp khác, ký kết hợp đồng trái pháp luật nhằm hợp thức hóa việc ký gửi bình gas, mà thực chất đây là thủ đoạn “giam” bình của chủ sở hữu. Bằng cách này sẽ làm giảm sản lượng của doanh nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng và dần “bóp chết" doanh nghiệp chủ sở hữu các bình gas trên.

Đây là những thủ đoạn tinh vi trái pháp luật, là một dạng hoạt động phạm pháp mới xuất hiện. Để nhận diện và xử lý được loại vi phạm này đòi hỏi cơ quan chức năng và cán bộ thực thi phải có trình độ chuyên môn tốt cùng với một đôi mắt sáng.

Việc quan trọng nhất hiện nay là, các cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ tài sản hợp pháp của các doanh nghiệp đang bị chiếm trái pháp luật, chậm trễ ngày nào thì nhiều vạn bình gas với giá trị nhiều tỷ đồng sẽ thêm gỉ sắt, hỏng hóc.

88d7124757a980f7d9b8-1698308649.jpg
Nhiều vỏ bình gas là tài sản của các doanh nghiệp sở hữu đã có hiện tượng gỉ sét, hỏng hóc,...

Theo quy định tại điểm b, Khoản 4; điểm b, Khoản 5; điểm a, Khoản 6 Điều 44, Nghị định 99/2020/NĐ-CP thì với hành vi “chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi, lưu trữ, thu gom chai LPG không thuộc sở hữu mà không có hợp đồng mua bán chai LPG, hợp đồng thuê chai LPG hoặc không có thoả thuận về việc trao đổi chai LPG với chủ sở hữu chai LPG, trừ trường hợp thuê nạp” sẽ bị xử phạt từ 80 đến 120 triệu đồng.

Đồng thời, chịu hình thức xử phạt bổ sung “đình chỉ hoạt động mua bán LPG chai từ 1 tháng đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b và c khoản 4 điều này.”

Và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc trả lại chai LPG cho chủ sở hữu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b Khoản 4 điều này trong trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp chai LPG không có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật thực hiện hành vi vi phạm hành chính”.

Nhóm PV

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bai-2-nhan-dien-cac-thu-doan-canh-tranh-thieu-lanh-manh-trong-linh-vuc-kinh-doanh-gas-p9873.html