Cần giám sát chặt chẽ việc khai thác tài nguyên khoáng sản, tránh lách luật, hủy hoại môi trường

Trong lĩnh vực khai thác cát sỏi, quy định pháp luật ngày một thắt chặt, góp phần quan trọng để vừa “xóa sổ” những hành vi khai thác, trộm cắp tài nguyên trái phép, vừa để doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau khi được cấp phép, một số doanh nghiệp chỉ tìm cách tận thu khoáng sản không có biện pháp bảo vệ môi trường.

Cát, sỏi là khoáng sản được khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường. Việc khai thác cát sỏi phải được cấp phép, và sự chấp thuận, quản lý của nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau như UBND cấp xã, huyện, Phòng TNMT, Sở TNMT, cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường, v.v...

Trong đó, ngoài giấy phép khai thác, giấy phép thành lập bến bãi, bến thủy nội địa, doanh nghiệp phải có phương án bảo vệ môi trường, đăng ký các tàu thuyền được phép khai thác...

Việc được quy hoạch, quản lý và khai thác có hiệu quả cát, sỏi sẽ phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách ở mỗi địa phương.

Do lĩnh vực cát, sỏi được quy định rất chặt chẽ và là “miếng bánh” màu mỡ, thu được nguồn lợi khủng nên luôn khiến giới cát tặc nhòm ngó, tìm cách trộm cắp.

Việc khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra gây ảnh hưởng đến môi trường, sạt lở bờ ven sông suối, dẫn đến nguy cơ gây biến đổi dòng chảy, thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế, gây mất trật tự an ninh khu vực.

Đối với các tàu “cát tặc” thường sử dụng tàu không có biển kiểm soát, không logo, sử dụng các máy móc công suất lớn không được kiểm định hoặc cấp phép để nhanh chóng tận thu cát, sỏi. Loại tàu này thường hoạt động vào ban đêm, tại các khu vực giáp ranh giữa các địa bàn, khu vực cấm, giờ cấm hoặc chưa có đơn vị nào được cấp phép.

d1d78088-3730-4a89-9b04-bfcc857d0932-1699590046.jpg
Đã có rất nhiều vụ việc bị xử lý hình sự do khai thác cát trái phép

Như vụ Thủy đoàn I, (Cục CSGT, Bộ Công an) vừa bắt giữ nhóm “cát tặc” vào rạng sáng ngày 10/5/2023 vừa qua trên sông Hồng, đoạn giáp ranh xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và huyện Ba Vì (TP. Hà Nội).

Qua đó, nhóm “cát tặc” sử dụng tàu cát không gắn biển kiểm soát để hút cát lên tàu và hút cát sang một chiếc tàu khác mà không xuất trình, chứng minh được nguồn gốc của 500m3 cát trên tàu.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dù đã được cấp phép nhưng vẫn tìm cách dở trò nhằm khai thác, tận thu khoáng sản như khai thác sai vị trí được cấp phép, sử dụng quá số lượng tàu thuyền đã đăng ký. Thậm chí, doanh nghiệp còn “bắt tay” với cát tặc để khai thác quá khối lượng, quá độ sâu.

Như Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình từng phát biểu tại buổi chủ trì cuộc họp về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại các địa phương hồi tháng 4/2019 như sau: "Có nơi "cát tặc" hết sức lộng hành, người dân không biết dựa vào đâu, phải tự đấu tranh với "cát tặc", lực lượng chức năng nhiều nơi chưa xử lý quyết liệt và có sự buông lỏng, bao che của chính quyền”.

Như vụ việc vừa hồi tháng 8 vừa qua là một điển hình, Công ty Trung Hậu 68 (có trụ sở tại TP.HCM) sau khi được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác với tổng khối lượng hơn 1,5 triệu m3, tuy nhiên doanh nghiệp đã thuê thêm người bên ngoài khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát, trị giá khoảng 253 tỷ đồng bỏ ngoài sổ sách, không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Ở vụ việc này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; đưa, nhận hối lộ…, bắt tạm giam 18 bị can; trong đó có Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cùng nhiều giám đốc doanh nghiệp.

Mới đây, theo nghiên cứu, tìm hiểu của PV, việc Công ty TNHH 282 khai thác cát ở TP Hà Giang cũng có nhiều dấu hỏi lớn trong việc chấp hành quy định của pháp luật.

Được biết, Công ty TNHH 282 được cấp phép khai thác cát sỏi trên lòng sông Lô, thuộc tổ 5, thôn Cầu Mè, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang theo giấy phép số 2709/GP-UBND ngày 23/12/2014 với Diện tích là 3,68ha, thời gian là 30 năm.

Tức chỉ một đoạn ngắn dưới lòng sông thuộc tổ 5, thôn Cầu Mè, xã Phương Thiện, bởi bên kia sông là Xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Theo nghiên cứu của PV, quá trình khai thác cát, có nhiều tàu cát, tàu hút cỡ nhỏ xục thẳng xuống lòng sông để tận thu cát mà không có biện pháp thu gom rác hay bảo vệ môi trường khiến cả đoạn sông trở nên đục, đỏ ngầu. Đây là các dạng tàu thuyền nhỏ giống tàu tự chế nên rất khó trong việc đăng ký, đăng kiểm và lưu hành.

b78f0a9c-c252-4029-b366-322bfcb0c49d-1699590046.jpg
Thời điểm phóng viên ghi nhận được hầu hết tại đây là các tàu khai thác giống tàu tự chế

Trên bờ, nhiều bãi cát trải dài cả trăm mét, được tập kết cát một cách rất nham nhở, nhiều lượt xe tải cũng lần lượt vào chất đầy cát rồi nhanh chóng rời đi mà không thấy việc cân tải để giám sát khối lượng.

Được biết, ngày 14/06/2017, UBND tỉnh Hà Giang có văn bản 2170 về việc yêu cầu Công ty TNHH 282 nạo vét khơi thông dòng chảy và hoàn thiện các thủ tục sau cấp phép đối với mỏ cát này. 

0f48f2f9-43c2-4598-83da-346690ce916b-1699590046.jpg
Lòng sông luôn trong tình trạng đục đỏ, do quá trình khai thác cát không hề có biện pháp xử lý rác, bảo vệ môi trường.

Trước đó, sau khi kiểm tra, đánh giá và xác định nguyên nhân gây sạt lở đất  tại Trại tạm giam mới của công an tỉnh là liên quan đến hoạt động khai thác cát của Công ty TNHH 282, UBND tỉnh đã yêu cầu: Công ty TNHH 282 khẩn trương nạo vét, khơi thông để mở rộng dòng chảy qua diện tích mỏ. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các thủ tục sau cấp phép của dự án như thu hồi đất, giao đất…, đảm bảo việc hoạt động khai thác theo đúng quy định pháp luật.

Tại tỉnh Hà Giang, theo Quyết định 2162 ngày 19/10/2021 của UBND tỉnh Hà Giang về phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh có quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi để xảy ra tình trạng thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không phát hiện, không xử lý hoặc chậm trễ xử lý để diễn ra kéo dài.

Việc quy và giao trách nhiệm cho lãnh đạo UBND cấp xã và UBND cấp huyện ở Hà Giang trong quản lý tài nguyên khoáng sản là rất rõ, tuy nhiên việc xử lý người đứng đầu của các cấp như thế nào thì dư luận vẫn đang chờ đợi.

(Còn nữa)

Quốc Long - Nguyễn Trung

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/ha-giang-can-giam-sat-chat-che-trong-khai-thac-tai-nguyen-khoang-san-chong-lach-luat-huy-hoai-moi-truong-p9878.html