Nhận diện hành vi lừa dối khách hàng
Lừa dối khách hàng là hành vi khá phổ biến hiện nay. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, thậm chí chính chúng ta là nạn nhân của hành vi này trong cuộc sống hàng ngày ở nhiều mức độ, từ những việc đơn giản như: bị cân thiếu hàng hoá khi mua hàng; nhận hàng không đúng mô tả hoặc không đúng chủng loại đã đặt; bị đánh tráo sản phẩm gần giống và có chất lượng không bằng sản phẩm đã quảng cáo… Ở cấp độ nghiêm trọng hơn, hành vi này được các cá nhân, tổ chức sử dụng khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn như việc cài cắm các điều khoản khó hiểu, mập mờ hay sai sự thật trong hợp đồng mua bán; cung cấp dịch vụ không đảm bảo tính năng, quyền lợi, giấy tờ pháp lý, điều kiện sử dụng của sản phẩm/dịch vụ; tư vấn không chính xác, không đầy đủ về sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng… Tất cả những hành vi trên của người bán hay người cho thuê đều dẫn đến hậu quả, đó là thiệt hại lớn cho khách hàng.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc có dấu hiệu “Lừa dối khách hàng” của những thương nhân, doanh nghiệp nổi tiếng đã bị khởi tố hình sự. Năm 2017, doanh nhân Khaisilk bị phát hiện bán khăn có xuất xứ Trung Quốc nhưng gắn mác Made in Việt Nam, thành phần khăn lụa Khaisilk cũng không có thành phần silk như công bố. Vụ việc sau đó đã bị khởi tố. Một vụ việc đình đám khác vào năm 2019, cơ quan công an đã khởi tố ông Lê Thanh Thản về hành vi lừa dối khách hàng trong lĩnh vực xây dựng kinh doanh bất động sản, liên quan đến dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, trong đó có nội dung ông Thản đã chỉ đạo quảng cáo, đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án nhằm bán các căn hộ được tạo lập trái pháp luật. Hay vụ việc Asanzo nhập khẩu hàng hóa, linh kiện điện tử có xuất xứ Trung Quốc, thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, rồi dán nhãn "Asanzo" có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam có dấu hiệu của việc lừa dối khách hàng…
Cần mạnh tay xử lý các sự việc có dấu hiệu lừa dối khách hàng
Mặc dù pháp luật đã có quy định rõ ràng, nhiều vụ việc đã bị khởi tố, nhưng dường như nhiều thương nhân, doanh nghiệp vẫn tỏ ra coi thường, ngang nhiên thực hiện hành vi này dưới nhiều hình thức.
Mới đây, một khách hàng đã tố lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) có hành vi lừa dối khách hàng trong khi ký Hợp đồng cho thuê mặt bằng.
Cụ thể, ngày 28/11/2022, chị Nguyễn Thị Kim Ngân và Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu (Địa chỉ: Tầng 5 toà Trường Thịnh - Tràng An Complex, số 01 Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Quốc Hiệp), có ký với nhau một Hợp đồng thuê mặt bằng tại vị trí phòng kỹ thuật – phục vụ và phần diện tích khu vực sân vườn trên tầng kỹ thuật (tầng tum mái) của tòa nhà The Nine – Số 9 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội. Mục đích thuê ghi trong hợp đồng là để kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Sau khi ký hợp đồng, chị Ngân đầu tư gần 2 tỷ đồng để thiết kế và thi công cải tạo mặt bằng.
Ngày 16/2/2023, chị Ngân đi đăng ký kinh doanh theo đúng pháp luật thì nhận được thông báo của Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội rằng cần bổ sung hồ sơ, tài liệu chứng minh công năng của địa điểm thuê là dùng để kinh doanh nhà hàng, ăn uống. Sau đó, chị Ngân có liên hệ với hệ với hai nhân viên của Công ty đề nghị cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội. Mặc dù tại điểm e, khoản 11.2, điều 11 của Hợp đồng giữa 2 bên quy định: Nghĩa vụ của bên A: Cung cấp các giấy tờ cần thiết để hỗ trợ Bên B làm các thủ tục đăng ký kinh doanh tại Diện tích thuê theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng chị Ngân không được đáp ứng. Nhận thấy có sự không thống nhất của nhân viên từ quá trình tư vấn, ký hợp đồng đến thời điểm này, chị Ngân yêu cầu xuất hoá đơn GTGT đối với việc thuê mặt bằng, thì chị nhận được hoá đơn số 15, ngày 15/3/2023, có nội dung: Tiền thuê mặt bằng…tại tầng 4 Dự án The Nine tại số 09 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội…
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết: “Tôi thuê mặt bằng ở tầng tum mái, nghĩa là tầng 31 của toà nhà, nhưng Công ty Toàn Cầu lại xuất hoá đơn cho tôi ở tầng 4. Không những xuất hoá đơn mà Công ty Toàn Cầu còn đang hướng tôi và thuyết phục tôi đăng ký kinh doanh và treo biển ở tầng 4 hoặc tầng 5 của toà nhà nhằm qua mắt cơ quan chức năng khi đi kiểm tra”.
Ngày 19/5/2023, Công an quận Cầu Giấy đã tới kiểm tra Giấy phép kinh doanh nhưng chị Ngân không xuất trình được vì chờ đợi hồ sơ của chủ đầu tư, nên hoạt động kinh doanh của chị Ngân đã bị yêu cầu tạm dừng.
Chị Ngân cho biết thêm: “Tôi không hề biết mặt bằng này không được phép kinh doanh nhà hàng, ăn uống, tại vì trên hợp đồng của tôi ghi rõ là kinh doanh nhà hàng ăn uống. Không bao giờ tôi vi phạm pháp luật để tôi làm ở diện tích như này trong khi không được phép cho thuê để kinh doanh nhà hàng. Cho nên là tôi không hề biết, tất cả các cuộc nói chuyện sau này tôi đều nói với nhân viên của Cty Toàn Cầu là tôi không hề biết việc đó, nếu tôi biết thì tôi không bao giờ làm. Hiện nay khoản tiền tôi đầu tư vào khoảng 2 tỷ đồng, mà bây giờ dừng hoạt động thế này khiến tôi thiệt hại rất lớn. Thế nhưng công ty không có động thái đền bù cho tôi. Mà chỉ nói "hỗ trợ" tiền tháo dỡ, di dời mặt bằng là 150 triệu”.
Ngày 02/6/2023, chị Ngân có văn bản gửi tới Công ty đề nghị cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý về việc địa điểm tầng tum mà Công ty cho chị Ngân thuê được phép kinh doanh nhà hàng. Nếu Công ty không cung cấp được, chị Ngân sẽ yêu cầu chấm dứt hợp đồng.
“Trong mấy cuộc họp với chủ đầu tư tôi có bàn về vấn đề chấm hoạt động, nhưng tôi chưa hề đặt bút ký bất kì cái biên bản hay giấy tờ nào. Cho nên tôi đang yêu cầu chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng cho cơ quan chức năng đang làm việc. Nhưng chủ đầu tư liên tục hối thúc và gửi công văn cho tôi, yêu cầu tôi dọn toàn bộ đồ tại mặt bằng mang đi để trả lại hiện trạng cũ, nếu không sẽ cho người vào cưỡng chế. Sau nhiều cuộc họp, chủ đầu tư không cung cấp cho tôi bất kỳ giấy tờ nào khác, tôi đang cảm thấy mình bị lừa dối từ đầu đến cuối, lừa dối từ nhân viên đến lãnh đạo công ty”, chị Ngân nói.
Báo Thanh tra dẫn một văn bản có quan điểm của Công ty Toàn Cầu, theo đó: “Hợp đồng thuê mặt bằng THE NINE ký kết với bà Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi hai bên đã có quá trình trao đổi đầy đủ thông tin về đặc điểm, công năng, điều kiện của mặt bằng và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên. Trong suốt quá trình làm việc, các bên đã tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng với bà Ngân trên tinh thần hỗ trợ, thiện chí. Hai bên không đạt được thống nhất về quan điểm giải quyết. Do đó, căn cứ Mục 21.5, Điều 21 của hợp đồng, hai bên thống nhất sẽ giải quyết tranh chấp hợp đồng tại TAND có thẩm quyền, tuân thủ theo quy định của pháp luật”.
Trên tờ Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng Giám đốc Cty Toàn Cầu cho rằng, khi ký hợp đồng cho thuê, phía Cty đã nói và trong hợp cũng thể hiện, tầng 31 không dùng để kinh doanh ăn uống, nhưng “chị Ngân cứ nhất quyết ký. Về thủ tục xin phép kinh doanh, chị Ngân cũng phải tự đi xin, trong hợp đồng có nêu”. Không đồng tình với quan điểm trên, chị Ngân cho rằng: “Khi ký hợp đồng Cty không đưa ra cảnh báo nào, trong hợp đồng cũng không có điều khoản nào nêu việc tầng 31 không được kinh doanh nhà hàng ăn uống”.
Theo tìm hiểu, Công an quận Cầu Giấy đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Toàn Cầu số tiền 23 triệu đồng vì vi phạm các quy định trong lĩnh vực PCCC.
Trong văn bản gửi tới các cơ quan báo chí, bà Hoàng Thị Anh Thư, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Toàn Cầu cho biết: “Hợp đồng thuê mặt bằng số 09/2022/GP-INVEST/HĐTMB/THENINE ký kết với bà Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi hai bên đã có quá trình trao đổi đầy đủ thông tin về đặc điểm, công năng, điều kiện của mặt bằng và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên. Trong suốt quá trình làm việc, với vai trò là đối tác, GP.Invest đã tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng với bà Ngân trên tinh thần hỗ trợ, thiện chí. Đặc biệt, sau khi bà Ngân quyết định dừng việc thực hiện hợp đồng và gửi văn bản kiến nghị đến GP.Invest, GP.Invest đã tổ chức nhiều buổi làm việc với mong muốn bà Ngân phối hợp giải quyết dựa trên tinh thần thương lượng, hòa giải. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực chủ động của GP.Invest, hai bên không đạt được thống nhất về quan điểm giải quyết. Do đó, căn cứ Mục 21.5, Điều 21 của hợp đồng, hai bên thống nhất sẽ giải quyết tranh chấp hợp đồng tại TAND có thẩm quyền, tuân thủ theo quy định của pháp luật”.
Nhận định về sự việc này, Luật sư Lưu Văn Quang (Trưởng Văn phòng Luật sư 365) cho biết hành vi của Công ty Cổ phần đầu tư BĐS Toàn cầu có các yếu tố cấu thành tội phạm “Lừa dối khách hàng”: "Khi hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán, thương lượng để đi tới ký kết Hợp đồng thuê mặt bằng để kinh doanh nhà hàng, ăn uống thì CĐT buộc phải thông báo cho bên thuê biết mặt bằng thuê có được phép kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống hay không. Nếu trong Hợp đồng cho thuê có ghi rõ mục đích thuê nhưng hai bên vẫn tiến hành ký Hợp đồng thì mặc định mặt bằng cho thuê của chủ đầu tư được phép kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống.
Hành vi của ông Hiệp (người đại diện pháp luật của Công ty) khi ký Hợp đồng cho thuê mặt bằng là hành vi cố ý trực tiếp bởi khi ký Hợp đồng với chị Ngân, ông Hiệp không cung cấp hồ sơ về công năng sử dụng của tầng 31 toà nhà The Nine, dẫn tới việc chị Ngân đã đầu tư số tiền rất lớn để đưa mặt bằng vào hoạt động kinh doanh. Ông Hiệp biết trước hậu quả của việc không thông báo về công năng sử dụng cho chị Ngân là sai nhưng ông Hiệp để mặc cho hậu quả xảy ra và mục đích của ông Hiệp là chiếm đoạt tiền thuê mặt bằng của chị Ngân. Nhóm nhân viên cấp dưới của ông Hiệp là những cá nhân góp sức tích cực cho hành vi phạm tội của ông Hiệp, người liên lạc với chị Ngân để cung cấp hoá đơn sai số tầng trong hợp đồng thuê mặt bằng, người biết rõ mặt bằng không được kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống nhưng vẫn bao che, không tố giác hành vi của ông Hiệp. Nhóm nhân viên cấp dưới là những đối tượng tạo dựng niềm tin cho chị Ngân, khiến chị Ngân hiểu nhầm rằng mặt bằng tầng 31 được kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống.
Theo điểm k Điều 11.2, điểm d Điều 12.1 tại Hợp đồng thuê mặt bằng giữa chị Nguyễn Thị Kim Ngân (bên B) và Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (bên A) thì Bên B được quyền yêu cầu bên A bồi thường các thiệt hại phát sinh trong trường hợp thiệt hại đó do Bên A gây ra. Trong vụ việc này, Công ty cổ phần bất động sản Toàn Cầu hoàn toàn không đưa ra được bất cứ hồ sơ pháp lý về công năng, mục đích sử dụng của tầng 31 toà nhà The Nine đủ điều kiện được phép kinh doanh nhà hàng ăn uống, khiến chị Ngân không thể được cấp Giấy phép kinh doanh từ Sở kế hoạch đầu tư mặc dù chị Ngân đã nhiều lần đề nghị Công ty Toàn Cầu cung cấp. Do đó, lỗi trong vụ việc này hoàn toàn thuộc về bên A."
Ngoài ra, theo nghiên cứu, tìm hiểu của PV, lối lên khu vực tầng kỹ thuật (tầng tum mái) mà Công ty Toàn cầu cho chị Ngân thuê để kinh doanh là lối thoát hiểm của tòa nhà. Nếu như việc kinh doanh của chị Ngân thuận lợi, thì khi có sự cố xảy ra, sự an toàn của cư dân khó có thể được đảm bảo.
Do đó, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần hướng dẫn, tích cực tiếp nhận và xử lý kiên quyết đối với các vụ việc có dấu hiệu “lừa dối khách hàng”. Nếu đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định, cần khởi tố vụ án hình sự để có sự răn đe, làm bài học cho các doanh nghiệp.
Bích Hà - Phong Hào
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/lua-doi-khach-hang-xu-ly-hanh-chinh-hay-hinh-su-duoi-goc-nhin-luat-gia-p9880.html