Di sản vật thể Miếu Đinh Nguyên
Miếu Đinh Nguyên (xã Thọ An, huyện Đan Phượng) là di sản vật thể được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh. Miếu được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 5 (1903) để thờ vọng Nam Uyên đại vương. Tương truyền Nam Uyên đại vương sống ở thời Hùng Vương thứ 18, có tài văn võ.
Đến nay, miếu đã trùng tu sửa chữa nhiều lần, tuy nhiên vẫn mang dáng dấp kiến trúc nghệ thuật đầu thế kỷ XX. Mặt bằng bố cục miếu với bốn cột trụ. Hai trụ lớn trang trí hình tứ phượng chầu trên đỉnh, sập hổ phù cùng bốn đầu rồng và các ô lồng đèn trang trí tứ linh ở dưới, thân trụ đắp nổi câu đối chữ Hán. Từ trụ lớn sang trụ nhỏ có cổng pháo làm kiểu vòm cuốn. Đại bái có 5 gian 2 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc. Nhìn chung, các cấu kiện kiến trúc tại đại bái chủ yếu được bào trơn, đóng bén, tạo gờ chỉ và chạm hoa văn lá lật theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn. Phía sau là 3 gian hậu cung, nối với đại bái thành hình chuôi vồ. Gian giữa hậu cung xây bậc nhị cấp để bài trí long ngai, bài vị Thành hoàng. Miếu còn lưu giữ 1 cuốn thần phả, 1 hòm sắc, long ngai – bài vị, bát hương, đài nước, mâm bồng, ngũ sự, hoành phi, câu đối.
Lễ hội miếu Đinh Nguyên diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lễ hội tổ chức tưng bừng gồm các nghi thức tế lễ, dâng hương, đánh vật,… Hằng năm, đến ngày lễ, nhân dân tổ chức đúng hạn kỳ, tạo nên một nét đẹp của đời sống văn hóa làng xã Việt Nam.
Sức sống của môn vật cổ truyền tại hội miếu Đinh Nguyên
Ngày 22/2, tại miếu Đinh Nguyên (xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã diễn ra giải vật tự do dân tộc thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người khắp nơi đổ về.
Trong khuôn khổ cuộc thi, số người đến theo dõi, cổ vũ giải đấu vật được đánh giá là đông hơn rất nhiều các năm trước. Hàng trăm các đô vật từ khắp nơi như Đông Anh, Phú Xuyên, Quốc Oai,… đổ về đây cùng nhau tranh tài, giải đấu thực sự đã trở thành món ăn tinh thần với người dân địa phương.
Trên võ đài, các đô vật thi đấu hăng say, cống hiến cho người xem những đòn thế, miếng đánh đẹp mắt, lời bình luận viên hài hước, tiếng trống, tiếng vỗ tay reo hò của cổ động viên càng làm cho không khí lễ hội vật thêm sôi động.
Có thể thấy rằng, hội vật cổ truyền miếu Đinh Nguyên nói riêng và di tích lịch sử miếu Đinh Nguyên nói chung không chỉ là hoạt động thể thao dân gian truyền thống thuần túy mà cao hơn nó có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, nêu cao ý thức gắn kết cộng đồng, tinh thần thượng võ, ý niệm về bản sắc và trên hết là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống cần được lưu giữ.
Minh Huế - Thu Trang
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/suc-hut-cua-mon-vat-co-truyen-tai-le-hoi-mieu-dinh-nguyen-p9974.html