“Mỗi ca bệnh là một cuộc chiến và mỗi người thầy thuốc là một chiến binh dũng cảm”

Cách đây đúng 69 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi hội nghị cán bộ ngành y tế với những lời dạy quý báu. Chính vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, năm 1985 Đảng và Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam. Sự kiện là dịp để cả nước tôn vinh biết ơn đến các y, bác sĩ, nhân viên và những người công tác trong ngành Y tế.

Giống như những chiến binh dũng cảm, từ những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã có nhiều cán bộ và nhân viên ngành y tế có mặt trên khắp các nẻo đường để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội, nhân dân.

Bác sĩ Vũ Văn Cẩn - người anh cả của ngành quân y Việt Nam. Là người tổ chức và chỉ đạo các lực lượng quân y tham gia phục vụ trong tất cả các chiến dịch lớn của quân đội. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng cục quân y đầu tiên, từ con số không đến có, liên tục tr­ưởng thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy, chỉ đạo tổ chức bảo đảm quân y cho chiến đấu. Là một Cục trưởng tận tụy hết lòng với công tác y tế nước nhà. Ông, là người được Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách chăm sóc và cứu chữa bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

anh-chup-man-hinh-2024-02-28-luc-121336-1709097238.png
Bác sĩ Vũ Văn Cẩn - người anh cả của ngành quân y Việt Nam.

Bên cạnh nhiệm vụ cứu chữa thương binh, các y, bác sĩ còn phải miệt mài nghiên cứu bào chế ra các loại thuốc trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Nhiều các loại thuốc ra đời phục vụ chính cho công cuộc chữa lành vết thương như: Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã điều chế thành công bột Streptomycin – một chất kháng sinh dùng để chữa các vết thương nặng, Sáng kiến chế thuốc cam thế aspirin  của dược tá Nguyễn Đức từ những nguyên liệu trong nước sau đó chế hòa thành viên, đã được nhiều người dùng rất công hiệu mà giá thành rẻ…Nhờ có những sáng kiến hữu ích, giúp tiết kiệm tiền bạc, thời gian và công sức cho Nhân dân và đất nước. 

anh-chup-man-hinh-2024-02-28-luc-121511-1709097336.png
Bên cạnh nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh, các y, bác sĩ còn miệt mài nghiên cứu bào chế ra các loại thuốc trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Cho đến thời bình, họ tham gia vào công cuộc xây dựng đổi mới đất nước, phát triển ngành y tế nước nhà, phát triển nghiên cứu khoa học và cứu chữa người bệnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội. 

Còn nhớ trong những ngày cả nước Việt Nam phải  oằn mình chống lại dịch Covid-19, đó là những ngày khó khăn đối với ngành Y tế Việt Nam nhưng dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng và nhà nước, Lãnh đạo Bộ Y tế, sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, nhân viên ngành Y tế, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, được nhân dân ủng hộ, các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ, công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực và đến giờ COVID-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B đã ghi nhận sự thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch. 

anh-chup-man-hinh-2024-02-28-luc-122633-1709098015.png
Đội ngũ y bác sĩ là chiến sĩ tuyến đầu thời kì chống dịch COVID-19 

Ngoài ra, ngành y Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học đạt tầm thế giới, thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương-khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu…

Tất cả những thành tựu trên đều là sự nỗ lực và đóng góp của đội ngũ y bác sĩ, những người công tác trong lĩnh vực Y tế nước nhà. Những đóng góp to lớn ấy đều được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, được nhân dân trân trọng và tin yêu, được đồng nghiệp, người dân trong nước, khu vực và quốc tế đánh giá cao. 

PV

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/moi-ca-benh-la-mot-cuoc-chien-va-moi-nguoi-thay-thuoc-la-mot-chien-binh-dung-cam-p9982.html