Diễn đàn Khoa học và kinh tế toàn cầu 2024 được tổ chức tại Hilton Dubai, đường Sheikh Zayed, thành phố Al Habtoor, UAE, có sự phối hợp tổ chức bởi nhiều cơ quan liên quốc gia trên toàn cầu bao gồm: Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ, Liên minh doanh nhân quốc tế, Trường Đại học quốc tế Hoa Kỳ, Trường Đại học Quận Cam (Hoa Kỳ), Viện Phát triển du lịch Châu Á, Viện Khoa học Phát triển Nhân tài và Trí Tuệ Việt…
Đây là hoạt động thiết thực để doanh nghiệp quốc tế giới thiệu, trao đổi thông tin và tìm kiếm bạn hàng, xúc tiến thương mại, đầu tư hiệu quả; tìm hiểu chiến lược phát triển thị trường; giới thiệu, biểu dương và vinh danh các nhà trí thức, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, doanh nghiệp.
Năm nay, diễn đàn thu hút gần 150 đại biểu đại diện cho các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, UAE và Hoa Kỳ.
Thạc sĩ – kỹ sư nông nghiệp Võ Thị Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển du lịch sinh thái, Giám đốc Công ty TNHH Lương Thực MS2019 VN, là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ nghành nghề phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, đồng thời là Nhà khoa học Bộ giống MS2019 Master - Ruma đã vinh dự là đại diện Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế “Nhà khoa học tiêu biểu xuất sắc toàn cầu”.
Kỹ sư Võ Thị Ngọc là người con quê hương Cần Thơ, sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nông nghiệp. Tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, với đam mê nghiên cứu khoa học về giống câu trồng mới, trải qua chặng đường đầy gian khó, nhưng với quyết tâm và nỗ lực, sau 12 năm nghiên cứu và chọn lọc tự nhiên, năm 2019, kỹ sư Võ Thị Ngọc đã cho ra đời bộ giống lúa MS2019 Master Ruma (MS2019 trắng sữa và MS2019 – tím than) đã được Cục Trồng trọt cấp quyền bảo hộ giống năm 2023.
Theo đánh giá, bộ giống MS2019 là bộ giống đa màu sắc, có màu sắc rất đẹp, mùi thơm đặc trưng, cơm ráo dẻo dai, hạt gạo vừa phải, đặt biệt là trong các loại gạo đều có hàm lượng Amylose thấp. Trong gạo có rất nhiều sắc tố khác nhau mang lại nhiều thành phần dinh dưỡng trong mỗi giống gạo đều chứa Anthocyamin, omega 3 – 6 – 9, vitamin nhóm B, canxi, magie, kẽm… Đặc biệt, giống thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt vẫn cho năng suất cao.
Ngoài ra, các giống cam xoàn ruột đỏ không hạt CS20, giống mướp hương thơm không hạt MSH 2020, sâm nữ Hoàng Hồng sâm VN, giống lúa MS Hồng Ngọc 2021 của bà cũng được Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng – Cục Trồng trọt chấp thuận đơn bảo hộ năm 2020-2021 đã và đang khảo nghiệm để hoàn tất thủ tục bảo hộ..
Với ý chí tự chủ và niềm đam mê ngành giống mới, kỹ sư Võ Thị Ngọc đã góp phần phong phú thêm trong ngân hàng giống cây trồng nước nhà. Bà chia sẻ, năm 2024 và 2025, giống lúa MS vàng ngọc và xanh ngọc cũng sẽ đưa vào đăng ký giống lúa mới.
Thời gian qua, sản phẩm của bà đã đạt được nhiều chứng nhận và bằng khen như: Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2021 và 2023; Giải ba Festival lúa gạo ĐBSCL năm 2020, 2023; Năm 2023, đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện xây dựng tổ chức chức Liên kết chuỗi giá trị nông sản góp phần chung sức xây dựng nên nông nghiệp hiện đại nông dân giàu có, nông thôn văn minh 2023; Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2023…Với những thành tựu khoa học và thành tích xuất sắc đã đạt được, kỹ sư Võ Thị Ngọc là “đôi tay vàng” của gạo màu Việt Nam.
Thời gian tới, kỹ sư Võ Thị Ngọc sẽ có sự hợp tác với Ngân hàng Nam Sudan. Cũng nhân dịp này, bà sẽ gửi tặng tới người dân Nam Sudan 10 tấn gạo và 10 tấn giống lúa mới với mong muốn gửi gắm tình cảm của mình nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung tới đất nước Nam Sudan, góp phần vào giải quyết khó khăn về lương thực tại đây. Bà cũng ấp ủ truyền lại những kiến thức trong ngành trồng lúa, mở những khoá đào tạo ngắn hạn cho người nông dân Nam Sudan trở thành những kĩ sư nông nghiệp thực hành tại chính mảnh đất của mình, mang những hạt giống nghĩa tình gieo trên mảnh đất khu vực Châu Phi đầy hứa hẹn.