Sổ tay hệ thống hóa thẩm quyền, nhiệm vụ của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND và các cơ quan chuyên môn về đất đai ở cấp tỉnh, xã, giúp chính quyền các cấp hình dung đầy đủ các công việc cần thực hiện khi triển khai.

Cụ thể, đối với cấp tỉnh, HĐND cấp tỉnh có 6 thẩm quyền, nhiệm vụ; UBND cấp tỉnh có 50 thẩm quyền, nhiệm vụ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh có 37 thẩm quyền, nhiệm vụ; Sở NN&MT có 15 thẩm quyền, nhiệm vụ. Đồng thời, Sổ tay cũng hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền của Văn phòng Đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất.
Đối với cấp xã, HĐND cấp xã có 4 thẩm quyền, nhiệm vụ; UBND cấp xã có 45 thẩm quyền, nhiệm vụ; Chủ tịch UBND cấp xã có 44 thẩm quyền, nhiệm vụ; Cơ quan quản lý đất đai cấp xã có 19 thẩm quyền, nhiệm vụ.
Việc làm rõ vai trò của từng cấp, từng vị trí là yếu tố then chốt để đảm bảo công tác quản lý đất đai được thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ trên toàn quốc. Sổ tay đã cụ thể hóa thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh và cấp xã trong quản lý đất đai, đảm bảo sự thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác chuẩn bị của Bộ NN&MT là việc chủ động xây dựng và ban hành "Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp".
Đây là tài liệu thiết thực, đóng vai trò là cẩm nang hữu ích giúp các địa phương nắm rõ quy định, thẩm quyền, quy trình, từ đó triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền mới.
Đồng thời, Sổ tay cũng giúp người dân hiểu rõ hơn về các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai.

Đặc biệt, một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm là quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đặc biệt khi thẩm quyền này được chuyển về cấp xã. Sổ tay đã hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục về nội dung này gồm 16 bước, đảm bảo đúng thẩm quyền, rõ trách nhiệm và công khai, minh bạch trong từng khâu. Quy trình này bao gồm từ việc xây dựng kế hoạch thu hồi đất, tổ chức họp với người dân, ban hành thông báo, kiểm đếm tài sản, lập và phê duyệt phương án bồi thường, đến việc thực hiện bồi thường và bàn giao đất.
Đối với trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu do cấp xã thực hiện, Sổ tay cũng hướng dẫn cụ thể gồm 3 bước, phân công rõ trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước và người dân.
Quy trình này bao gồm việc nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, cơ quan giải quyết thủ tục kiểm tra và chuyển hồ sơ về UBND cấp xã để xác minh, và cuối cùng là việc UBND cấp xã cấp Giấy chứng nhận sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Thời gian giải quyết thủ tục cũng được rút gọn đáng kể: đối với đăng ký đất đai lần đầu không quá 17 ngày làm việc; đối với đăng ký đất đai kèm cấp Giấy chứng nhận không quá 20 ngày làm việc.
Đối với địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian được kéo dài tối đa 30 ngày làm việc.


Những nỗ lực của Bộ NN&MT trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết sẽ góp phần quan trọng vào việc triển khai thành công mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trong giai đoạn mới.