Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn trong bối cảnh hiện nay

16/11/2023 16:49

Theo dõi trên

Ngày 15/11/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn” do Bộ Công Thương tổ chức.

Vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân mà còn có tác động lớn tới phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội của mỗi quốc gia.

z4882167007140-3f0c1d38b3464c88c837eedc5d889aa6-1700127780.jpg
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, ngày 21/10/2022 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Theo đó, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ ngày 28/3/2023 về việc triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí Thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Theo Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ, Vụ Thị trường trong nước được giao các nhiệm vụ:

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức tập huấn về bảo đảm an toàn thực phẩm trong khâu phân phối.

- Thực hiện việc kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lồng ghép trong các nội dung công tác thường xuyên, nhiệm vụ được giao như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bình ổn thị trường, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Hội nghị Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn là một trong các hoạt động nhằm triển khai nhiệm vụ được giao của Bộ Công Thương.

Hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá), đặc biệt là thực phẩm tươi sống. Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại. Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước.

Tuy nhiên với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước, truy xuất được nguồn gốc từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối truyền thống cũng có sự chuyển mình. Các địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng thí điểm chợ an toàn thực phẩm. Đến tháng 10/2023, toàn quốc đã có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Các kênh thương mại điện tử ngày càng hoàn thiện và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Nhiều kênh thương mại điện tử cũng tổ chức các gian hàng an toàn thực phẩm trên không gian số như Lazada, Shopee,…

z4882167012233-a92945a55449a70538b0523b89a6421a-1700127785.jpg
Khách mời thảo luận về vấn đề đa dạng kênh phân phối kinh doanh thực phẩm an toàn

Thời gian quan, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn như: tổ chức Hội nghị, hội thảo kết nối thực phẩm an toàn, Chương trình Bình ổn thị trường; Triển khai xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt trên sàn thương mại điện tử ở thị trường trong nước nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm và thông tin hàng Việt; Tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước.

Qua sơ kết đánh giá, công tác phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn ghi nhận 4 kết quả chính:

- Thứ nhất, có sự đồng thuận, hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị phối hợp, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, sự nhiệt tình tham gia của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối quy mô lớn giúp chương trình có sự liên kết giữa các vùng, miền, địa phương và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng;

- Thứ hai, xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn, được phân phối bởi các cơ sở kinh doanh có uy tín đang ngày càng tăng của người dân, nhất là tại các đô thị, thành phố là một thuận lợi lớn để việc triển khai các chương trình có hiệu quả và ngày càng được đón nhận;

- Thứ ba, sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp cho hoạt động tuyên truyền, truyền thông về an toàn thực phẩm, các chương trình kết nối thực phẩm an toàn, hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối được triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

- Thứ tư, các địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông sản có thế mạnh, có sản lượng lớn, tính mùa vụ cao đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan truyền thông báo chí để cùng thực hiện các chương trình có điểm nhấn về kết nối tiêu thụ nông sản, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến với chuỗi các cửa hàng bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển tại Việt Nam, góp phần ổn định đầu ra cho nông sản Việt Nam cũng như phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

z4882167012130-ac8394d8ade34b3fd10be294e8116451-1700127784.jpg
 Các khách mời thảo luận về vai trò của chính sách phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm trong bối cảnh mới

Cũng thông qua công tác phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, các cơ quan quản lý nhận diện rõ hơn mức độ, nhu cầu sản xuất sạch và tiêu dùng sản phẩm sạch đã trở lên rất cấp thiết; các tiến bộ khoa học công nghệ và thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất; công cụ hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn phát triển rất nhanh. Do đó, điều cần làm ngay là khẩn trương xây dựng ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm, xác định được nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hỗ trợ cho “trúng” cho “đúng”, mang lại hiệu quả cao. 

Bạn đang đọc bài viết "Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn trong bối cảnh hiện nay" tại chuyên mục Cần biết. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036