Vừa qua, vụ việc hàng nghìn chiếc bánh trung thu bị Đội quản lý thị trường Hà Nội thu giữ chưa qua kiểm định, không hạn sử dụng lại một lần nữa dấy lên lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết, những chiếc bánh này đều có mẫu mã bắt mắt, màu sắc sặc sỡ và in nhãn mác chữ Trung Quốc trên bao bì, có ngày sản xuất nhưng không có ngày hết hạn. Theo thông tin từ các trang báo điện tử, các sản phẩm này có giá nhập về siêu rẻ chỉ 2.000 - 3.000 đồng/chiếc.
Bánh trung thu in nhãn mác chữ Trung Quốc trên bao bì, có ngày sản xuất nhưng không có ngày hết hạn. |
Khi bài toán lợi nhuận đè bẹp quyền lợi, sức khỏe của khách hàng thì cũng là lúc các loại thực phẩm trôi nổi này được hoành hành hơn bao giờ hết. Phần vì tò mò với những lời quảng cáo quá bắt tai, phần vì ham rẻ mà không ít người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế.
Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn số 4971/BYT – ATTP ngày 27/08/2018 đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2018. Chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật này.
Bánh trung thu giá rẻ bán tràn lan trên mạng. |
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của mình, cũng như có những món quà biếu ý nghĩa dịp Trung Thu, người tiêu dùng nên tìm hiểu kĩ về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hoặc mua tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh uy tín để tránh “tiền mất tật mang”.