Chùa Non Nước - Ngôi chùa cổ giữa núi rừng Sóc Sơn

06/04/2024 07:52

Theo dõi trên

Quần thể Di tích đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) nằm trải dài từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh, gắn liền với huyền thoại Thánh Gióng chống giặc ngoại xâm. Quần thể gồm 7 công trình kiến trúc, mỗi công trình có giá trị lịch sử, nghệ thuật riêng, đó là: Đền Trình, đền Mẫu (thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, khu nhà Bia (lăng bia đá 8 mặt), chùa Non Nước và khu tượng đài Thánh Gióng.

Điểm nhấn của khu di tích là chùa Non Nước còn có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền tự. Ngôi chùa này nằm trong khu di tích lịch sử đền Sóc, tọa lạc ở độ cao 110m so với chân núi. 

Lịch sử hình thành và phát triển

Ngôi chùa được lập từ lâu. Theo như tài liệu Thiền Uyển Tập Anh và Đại Việt Sử ký toàn thư, vị trụ trì đầu tiên của chùa là Ngô Chân Lưu (933 - 1011) và là hậu duệ của Ngô Quyền. Vào năm 971 được vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu là Khuông Việt Quốc sư - Vị thiền sư đầu tiên được phong tặng danh hiệu Quốc sư. Và cũng chính Khuông Việt Quốc sư cùng Vạn Hạnh Thiền sư đã có công phù trợ cho Lý Công Uẩn lên ngôi. Khuông Việt Quốc sư trở thành Việt Nam tam triều Quốc sư khi trải qua 3 triều đại của Việt Nam là Đinh - Lê - Lý. 

Tục truyền, sau khi dẹp giặc Ân, trên đường về núi Sóc, Thánh Gióng đã dừng chân tại đây và xuống tắm ở hồ Tây. Khi lên đường, Thánh Gióng để quên cái roi sắt bị gãy trong chiến trận. Nhân đó, người dân lập đền thờ.

Kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử

Chùa tọa lạc tại vị trí địa lý thuận lợi, nằm ẩn mình giữa núi Nhà Bia hoang sơ với khuôn viên rộng lớn, khu vực tường cổng và khu chánh điện. Ngay khi đặt chân đến, ta sẽ thấy ngay 4 cột trụ đá cao, được khắc những ký tự tiếng Hán.

Ngôi chùa này khi trùng tu, vẫn còn giữ lại những giá trị tinh thần tái hiện trên các vật bày trí, cột trụ bằng hoa văn từ thời tiền Lê. Xung quanh chùa có nhiều ngôi đền nhỏ khác nhau. 

Khu đền lớn trong chùa là khu vực chánh điện, nằm nổi bật giữa chùa Non Nước. Khu vực này có tổng diện tích là 260m2 với chiều cao khoảng 14m. Toàn bộ kiến trúc của khu chánh điện đều sử dụng các loại gỗ cao cấp, xung quanh có đến hơn 80 cột lim, chống đỡ vô cùng vững chắc. Bên trong khu vực này, được trưng bày các pho tượng đồng lớn nhỏ khác nhau, mang đến cho khách tham quan không gian văn hóa tâm linh đậm dấu tích lịch sử. 

z5308840795867-f98950b0b57e421e917341739107c71e-1712050056.jpg

Khu vực chánh điện mang đậm dấu tích lịch sử

Chiêm ngưỡng Tượng Phật Thích Ca liền khối 30 tấn

Năm 2000, Đại đức Thích Thanh Quyết đã tổ chức xây dựng lại ngôi chùa và cho đúc pho tượng Đức Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất nước ta lúc bấy giờ.

Tượng có tổng chiều cao khoảng 8,4m với trọng lượng lên đến 30 tấn (20 tấn đồng đỏ và 10 tấn đồng liền khối cho đài sen). Pho tượng ở chùa Non Nước Sóc Sơn có kết cấu 3 phần. Phía dưới cùng là bệ đá đồng cao khoảng 1,75m, ở trên là đài sen với độ cao 1,35m. Phần còn lại của tượng đồng Đức Phật Thích Ca cao lớn, ngồi uy nghiêm trên đài sen. 

z5308840806746-d3ca91183c3ed559e1fbbbfc529a5300-1712050290.jpg
Tượng Đức Phật Thích ca bằng đồng cao lớn, uy nghiêm

Thời gian tốt nhất để đến chùa Non Nước cũng như du lịch Sóc Sơn sẽ là vào mùa hè, lúc này khí hậu rất trong lành, mát mẻ nên rất lý tưởng để tham quan, ngắm cảnh. Du khách còn có thể lựa chọn tháng Giêng Âm lịch để du lịch Sóc Sơn, do đây là thời gian diễn ra lễ hội Gióng Đền Sóc từ 6-8 tháng Giêng Âm lịch.

Quỳnh Trang
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Non Nước - Ngôi chùa cổ giữa núi rừng Sóc Sơn" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036