Trên MXH gần đây lan truyền video ghi lại những tình huống giao thông nguy hiểm khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ, khi tài xế ô tô chủ quan, thản nhiên để cho trẻ nhỏ ôm lấy vô lăng khi xe đang di chuyển.
Cụ thể, theo hình ảnh được ghi lại tại thời điểm xảy ra vụ việc, người đàn ông đang lái ô tô lưu thông trên đường. Đáng nói, dù xe đang di chuyển, tài xế này vẫn để cho một em bé đứng trên đùi mình và ôm lấy vô lăng xe. Khi đến một khúc cua, do phải đánh lái gấp, người đàn ông này đã không kịp bế đứa trẻ ra. Kết quả, em bé bị xoay ngang và hất văng sang ghế phụ, may mắn không gặp chấn thương nghiêm trọng.
Hay vụ bé gái khoảng 4 tuổi ôm vô lăng lái ô tô chạy trên đường được anh N.H.Đ. (ngụ TP Mỹ Tho) đăng tải trên Facebook vào ngày 17-7. Thấy hành vi quá nguy hiểm nên anh Đ. đã quay lại hình ảnh và đăng tải lên MXH nhằm cảnh báo tới mọi người.
Những hành vi nói trên sau khi được lan truyền trên các hội nhóm MXH, thu hút sự chú ý từ đông đảo dư luận. Hầu hết người xem qua đều tỏ ra hết sức bức xúc, phẫn nộ trước hành vi lái xe quá chủ quan và cực kì nguy hiểm của tài xế ô tô. Đồng thời, thở phào khi em bé trong đoạn video may mắn không gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Trao đổi với PV Người đưa tin TV, luật sư Dương Lê Ước An (Công ty Luật hợp danh Đại An Phát) cho biết, theo quy định khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm giao xe cơ giới (xe ô tô, xe máy…) cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Điều 58 Luật GTĐB cũng nêu rõ, điều kiện để người lái xe tham gia giao thông là phải đủ độ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Độ tuổi của người lái xe quy định cụ thể như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3,5 tấn; ô tô chở người đến chín chỗ ngồi…
Theo luật sư, căn cứ điểm h, khoản 8, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người phụ huynh trong trường hợp trên có thể bị phạt tiền với mức phạt từ 04 - 06 triệu đồng.
Trường hợp có dấu hiệu hình sự, người này có thể bị truy tố về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; nặng hơn còn có thể bị phạt tù lên đến 07 năm.
Hành vi để con nhỏ cầm vô lăng, điều khiển xe ô tô là hành vi gây nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng của chính người điều khiển phương tiện giao thông và những người đang tham gia giao thông trên đường. Mỗi phụ huynh cần có trách nhiệm tuân thủ luật giao thông, tuyệt đối không để trẻ nhỏ ngồi vào khu vực ghế lái để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.