Nhân sự kiện này, Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế đã có Thư ngỏ gửi tới Tòa phúc thẩm Paris bày tỏ quan điểm của giới luật gia quốc tế về vụ kiện này. Người Đưa Tin xin giới thiệu toàn văn nội dung Thư ngỏ trên:
"Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) là một tổ chức phi chính phủ toàn cầu gồm các chuyên gia luật tiến bộ có tư cách tư vấn tại Hội đồng kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc. Trong nhiều năm qua, IADL đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các nạn nhân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam do Quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Năm 2004, IADL đã khởi kiện lên Tòa án Hoa Kỳ để yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân. Năm 2009, IADL đã tổ chức Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế để điều tra và xác định trách nhiệm pháp lý của Chính phủ Hoa Kỳ và các Công ty hóa chất đã sản xuất chất độc màu da cam để sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
IADL cho rằng Chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hóa chất phải chịu trách nhiệm liên đới về việc sản xuất hóa chất, đặc biệt là chất độc da cam có chứa hàm lượng dioxin cao và là một trong những chất độc hại nhất mà con người biết đến. Hiện nay, có rất nhiều con cháu của những người bị phơi nhiễm được sinh ra với những dị tật bẩm sinh và các bệnh liên quan đến chất độc da cam.
IADL đánh giá cao nỗ lực không mệt mỏi của bà Trần Tố Nga, một trong những nạn nhân chất độc da cam, trong việc khởi kiện ra toà án các công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc da cam để sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Vụ kiện này mang lại công lý không chỉ cho bà Nga, người có đứa con đầu lòng chết vì dị tật tim và đứa con thứ hai mắc bệnh máu, mà còn cho tất cả nạn nhân của chất hóa học nguy hiểm này ở Việt Nam và trên thế giới. Và nó không chỉ giúp cho thế hệ hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai và cho một thế giới hòa bình và công lý!
IADL không đồng ý với Quyết định ngày 10 tháng 5 năm 2021 của Tòa án Evry, trong đó nêu rằng các công ty hóa chất đã hành động theo “mệnh lệnh” của Chính phủ Hoa Kỳ và toà án không có thẩm quyền xét xử các hành vi của Chính phủ Hoa Kỳ. IADL cho rằng phán quyết này không đủ lý lẽ, vì các công ty hóa chất không bị Chính phủ Hoa Kỳ ép buộc mà họ tự nguyện tham gia đấu thầu và sản xuất chất độc này, do đó họ phải chịu trách nhiệm về việc sản xuất của mình và tòa án phải có thẩm quyền xét xử.
IADL cho rằng Tòa án Evry đã không xem xét đến yếu tố là việc sản xuất hóa chất độc hại cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam không phải là yêu cầu bắt buộc đối với các công ty hóa chất bởi họ tự nguyện tham gia đấu thầu để sản xuất hóa chất độc hại vì lợi nhuận. Tòa án Evry cũng đã khôngđể ý đến việc các công ty hóa chất đã biết dioxin là chất có độc tính cực cao nhưng vẫn cố tình thay đổi quy trình kỹ thuật tổng hợp 2 loại thuốc diệt cỏ 2,4-D và 2.4,5-T để rút ngắn thời gian sản xuất chất độc da cam nhằm giảm chi phí và tăng lợi nhuận, nhưng lại làm tăng hàm lượng dioxin vốn có trong chất 2.4.5-T.
Được biết, Tòa phúc thẩm Paris đã thụ lý đơn kháng cáo của bà Trần Tố Nga và ngày 7/5/2024 Tòa phúc thẩm Paris sẽ mở phiên phúc thẩm để xem xét lại phán quyết của Tòa Evry, IADL khẩn thiết yêu cầu Tòa phúc thẩm Paris bác bỏ quyết định vô lý của Tòa Evry. Chúng tôi yêu cầu Tòa phúc thẩm Paris xem xét lại kỹ lưỡng quyết định này và cân nhắc cẩn thận mọi yếu tố liên quan để đưa ra phán quyết một cách công bằng, giúp các nạn nhân chất độc màu da cam được bồi thường thoả đáng cho những tổn thương cùng cực mà họ đã và đang phải gánh chịu. Họ xứng đáng được hưởng sự công bằng này và đã chờ đợi điều này từ rất lâu. IADL sẽ sát cánh cùng các nạn nhân cho đến khi họ đòi được công lý.
IADL cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tất cả các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế đối với thường dân vô tội.
Trân trọng,
Edre Olalia
Đồng Chủ tịch, Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế."
Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam/dioxin (chất độc nhất mà con người biết được từ trước đến nay) xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử này đã gây ra một thảm họa nhân đạo, sức khỏe và môi trường với những hệ quả vô cùng nặng nề và lâu dài: hơn 3 triệu người Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu hậu quả vì ung thư và các bệnh do chất độc dioxine gây ra; khoảng 150.000 trẻ em, qua bốn thế hệ kể từ năm 1975 đến nay đã sinh ra với dị tật hoặc khuyết tật nghiêm trọng; 1 triệu ha diện tích rừng nhiệt đới bị tàn phá cùng sự biến mất của nhiều loài động vật hoang dã, 400.000ha đất nông nghiệp bị ô nhiễm; và cho đến nửa thế kỷ sau, di chứng của chất độc da cam vẫn còn tồn tại và gây nên những nỗi đau tang tóc.
Bà Trần Tố Nga (Sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng) bà từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và bị nhiễm chất độc dioxin trong thời kỳ chiến tranh.
Theo kết quả giám định y tế, nồng độ dioxin trong máu của bà cao hơn tiêu chuẩn quy định dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe. Bà mắc 5 trong số 17 bệnh lý đã được Mỹ công nhận và liệt kê trong danh sách các bệnh do chất độc da cam gây ra. Không chỉ bản thân bà mà các con của bà đều bị dị tật tim và xương. Người con đầu đã qua đời khi mới 17 tháng tuổi do dị tật tim bẩm sinh.
Vào tháng 5/2009, bà Trần Tố Nga đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ở Paris. Sau đó, với sự ủng hộ và đồng hành của một số luật sư và nhà hoạt động xã hội Pháp ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ.
Bà Tố Nga là một trong những trường hợp hiếm hoi có thể theo đuổi các vụ kiện liên quan đến chất độc da cam vì hội tụ đủ 3 điều kiện gồm là công dân Pháp gốc Việt; đang sinh sống tại Pháp, nơi cho phép luật sư mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình; và là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Tháng 5/2013, Tòa đại hình Évry, thành phố nơi bà Trần Tố Nga đang sinh sống, đã chấp thuận đơn của bà khởi kiện các công ty hóa chất cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường Việt Nam.
Tuy nhiên, sau 19 phiên thủ tục, trong phán quyết ngày 10/5/2021, Tòa án Evry đã chấp thuận bào chữa của các công ty bị kiện cho rằng họ “hành động theo theo lệnh và vì Nhà nước Hoa Kỳ” và như vậy được hưởng quyền “miễn trừ” vì không một Nhà nước có chủ quyền nào bắt một Nhà nước có chủ quyền khác dưới quyền tài phán của mình.
Phía luật sư của bà Trần Tố Nga đã phản đối phán quyết này và cho rằng những công ty này “đã dự thầu," có nghĩa là không hành động do bị ép buộc. Theo họ, Tòa án Evry đã áp dụng một nguyên tắc lỗi thời “đi ngược lại với những nguyên tắc hiện đại của luật pháp quốc tế” và quốc gia Pháp.
Không chùn bước trước thất bại này, sau khi Tòa đại hình thành phố Evry phán quyết rằng họ không đủ thẩm quyền để xử vụ án liên quan đến các hành động trong thời chiến của Chính phủ Mỹ, bà Trần Tố Nga, với sự ủng hộ của các luật sư và các hội đoàn ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Paris.
Phiên điều trần sẽ được tổ chức vào thứ Ba ngày 7/5 tại Tòa phúc thẩm Paris