Ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” nhằm kêu gọi các quốc gia, cộng đồng ghi nhận và tôn vinh hành động cao đẹp của những người đã từng hiến máu. Với toàn xã hội, họ có thể chỉ là những người bình thường, nhưng với riêng những người bệnh, họ thực sự là những người anh hùng vì đã đem tặng món quà vô giá - Máu và Thời gian dành để đi hiến máu. Chính nhờ lượng máu hiến tặng này, hàng năm, trên thế giới đã có hàng triệu người được cứu sống nhờ có máu để truyền.
Để tri ân và khuyến khích những người hiến máu tình nguyện, đặc biệt là người hiến máu nhiều lần, năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lấy ngày 14/6 để tôn vinh những người hiến máu. Đồng thời, tưởng nhớ tới Giáo sư Karl Landsteiner – người Áo, người đã phát minh ra nhóm máu ABO năm 1900 (đạt giải Nobel y học), mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới.
Với người bệnh, từng đơn vị máu càng trở nên quý giá bởi đó vừa là sự giúp đỡ, sự sẻ chia của cộng đồng vừa là nguồn sống, cơ hội để được tiếp thêm hy vọng. Nhờ có máu mà nhịp đập trái tim, hơi thở và cuộc sống của người bệnh được duy trì. Lựa chọn hiến máu, mỗi người tình nguyện đã tự thực hiện một hành động anh hùng bởi họ đã cứu được một sự sống hay còn nhiều hơn thế nữa. Nhiều người trong số họ thậm chí đã thực hiện hiến máu hàng chục lần trong nhiều năm liền.
Truyền máu và các chế phẩm máu giúp cứu được hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Việc làm này có thể giúp kéo dài tuổi thọ của các bệnh nhân bị mắc bệnh nguy hiểm có thể tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Ngoài ra, truyền máu và các chế phẩm máu cũng được sử dụng trong các thủ tục y tế và phẫu thuật phức tạp.
Ở nước ta, có nhiều thời điểm nhu cầu về máu vượt xa các dịch vụ cung cấp, và truyền máu như sau các đợt nghỉ lễ, giãn cách xã hội,... khiến cho lượng máu dự trữ dành cho người bệnh ngày càng khan hiếm. Những người hiến máu tự nguyện là nguồn máu an toàn nhất so với những người hiến máu vì lợi ích của các thành viên gia đình họ trong trường hợp khẩn cấp hoặc những người hiến máu được trả tiền. Việc những người tham gia hiến máu tình nguyện đóng vai trò quan trọng trong nguồn dự trữ máu sạch, thường xuyên cho người bệnh.
Thực tế cũng cho thấy, mỗi một giọt máu cho đi là một cuộc đời ở lại. Những nghĩa cử nhân văn, cao đẹp đó đều xuất phát từ trái tim của người hiến máu tình nguyện đến với cộng đồng, "hạnh phúc được chia sẻ thì hạnh phúc nhân đôi", "nỗi buồn được sẻ chia thì nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa", cho nên, mỗi một giọt máu được chia sẻ của mỗi người sẽ mang theo một thông điệp nhân văn, một nghĩa cử cao đẹp từ trái tim ta đến với trái tim mọi người, làm cho cuộc sống của mỗi người trong cộng đồng thêm ý nghĩa hơn.