Những cái tên như Tập đoàn Geleximco, Nam Cường, Tân Hoàng Minh, Văn Phú Invest…và danh sách một loạt “đại gia” BĐS đang thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai tại TP Hà Nội đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố.
Theo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, đến ngày 23/8 đã có 92 dự án, nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội đang thế chấp tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo đó, nhiều “đại gia” bất động sản cũng nằm trong danh sách này:
1. Công ty cổ phần Tập đoàn Geleximco
Thế chấp bằng quyền sử dụng đất thuộc dự án Khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông và xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội
2. Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội
Thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 01, 02, 03, 04 phường Yên Nghĩa, phường Dương Nội và số 15, 28-1 phường La Khê, phường Dương Nội, Hà Đông.
Ngoài ra, tập đoàn Nam Cường còn thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại KĐTM Dương Nội, phường Dương Nội, Hà Đông.
3. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh
Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là Dự án Khu nhà ở chung cư 27 tầng phía đông hồ Nghĩa Đô, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy và thế chấp 139 căn hộ tại Dự án xây dựng chung cư CT1 – Khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng tại Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
4. Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát
Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thế chấp Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm và tài sản với đất hình thành trong tương lai tại dự án tại phường Phú Lãm, Hà Đông.
5. Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC
Công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng và trung tâm thương mại tại 256 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy đang được Tập đoàn FLC và Công ty Cổ phần Hóa chất và vật tư khoa học kỹ thuật thế chấp tại VAMC.
Bên cạnh đó, một loạt dự án khác đã đi vào bàn giao và nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp cũng nằm trong danh sách này. Danh sách các dự án tại Hà Nội được thế chấp sẽ còn được Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội tiếp tục cập nhật.
Về vấn đề này, một luật sư cho biết: “Khi mua nhà, khách hàng cần xem xét kỹ điều khoản trong Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhất là những quy định về thời gian bàn giao căn hộ, thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời hạn được cấp sổ đỏ; chế tài về phạt vi phạm được nêu trong hợp đồng…
Để đề phòng rủi ro, luật sư cũng đưa ra cảnh báo đối với người mua nhà là cần chủ động trực tiếp đến gặp chủ đầu tư để xem dự án đó đang được thế chấp cho ngân hàng nào, thời hạn trong bao lâu và có thể giải chấp được không…
Nhóm PV Truyền hình Người đưa tin