Thấy gì từ những vụ cướp ngân hàng chấn động năm 2023?

30/11/2023 14:52

Theo dõi trên

Trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ cướp ngân hàng, trong đó có những vụ việc để lại hậu quả đau lòng. Hầu hết, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có tính chất manh động, gây hoang mang, lo sợ cho người dân.

Những đối tượng manh động

Vụ án thứ nhất: Mới đây nhất , hai nghi phạm cướp ngân hàng ở Đà Nẵng là Trần Văn Trí (22 tuổi, trú huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) bị khởi tố về tội cướp tài sản và giết người.

Theo đó, khoảng 13h45 ngày 22/11, hai thanh niên trên đi một xe máy đến chi nhánh Ngân hàng BIDV quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Ngay khi vào bên trong ngân hàng, Trần Văn Trí cầm súng bắn một phát chỉ thiên để uy hiếp nhân viên. Còn Nguyễn Mạnh Cường cầm dao đến quầy nhân viên giao dịch đe dọa buộc đưa tiền.

Gặp phải sự ngăn cản của nhân viên, bảo vệ, hai nghi phạm dù chưa lấy được tài sản gì nhưng phải bỏ chạy. Khi cả hai vừa lên xe, người dân và nhân viên ngân hàng đã đạp ngã xe, khống chế bắt giữ được Trí. Còn Cường tìm cách thoát thân.

Thấy vậy, bảo vệ ngân hàng là ông Trần Minh Thành lập tức đuổi theo. Tuy nhiên khi áp sát, Cường đã dùng dao quay lại tấn công ông Thành. Do vết thương quá nặng, ông Thành tử vong sau đó. Còn Cường bỏ trốn khỏi địa điểm gây án. 

Đến 14h30 cùng ngày, Công an Đà Nẵng bắt giữ được Nguyễn Mạnh Cường khi đang lẩn trốn trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà).

anh-chup-man-hinh-2023-11-29-luc-160007-1701250026.png
Vụ cướp ngân hàng tại Đà Nẵng ngày 22/11 khiến bảo vệ tử vong

Vụ án thứ hai: Trước đó, cũng tại Đà Nẵng vì muốn chứng minh tài chính để đi xuất khẩu lao động, Lê Phú Cao ( 32 tuổi, quê Thừa Thiên Huế ) nảy sinh ý định cướp ngân hàng.

Sau khi thăm dò một số nơi, bị cáo thấy Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam ở số 1 Đống Đa, quận Hải Châu, ít người đến giao dịch, nhân viên chủ yếu là nữ nên đã chọn để gây án.

Sáng 20/4, Cao chuẩn bị một khẩu súng nhựa màu đen, roi điện, túi vải và biển số xe máy giả viết bằng bút lông lên giấy A4, bỏ vào cốp xe mượn của một cô gái.

Đến 10h30, Cao lấy tờ giấy ghi biển số giả dán chồng lên biển số xe thật, đi xe máy đến cây ATM trước ngân hàng đứng quan sát. 11h15, thấy vắng người, Cao đi vào phía trong rồi bấm nút cửa cuốn xuống để tránh người bên ngoài phát hiện; rút súng và roi điện ra uy hiếp. Anh ta bắt 4 nhân viên nữ, một nhân viên nam và một bảo vệ ngân hàng quay mặt vào tường.

Cao đến quầy kế toán đưa một túi vải màu xanh tím than cho nữ nhân viên tên Huế, yêu cầu lấy tiền bỏ vào trong. Nam nhân viên ngân hàng tên Lâm định gọi điện thoại thì Cao phát hiện và nhấn roi điện đe doạ, cướp điện thoại iPhone 12.

Vì hoảng sợ, chị Huế lấy 660 triệu đồng bỏ vào túi, đưa cho Cao. Bị cáo không về thẳng phòng trọ mà vòng qua cầu Thuận Phước sang quận Sơn Trà, tìm bãi đất trống để phi tang công cụ gây án.

Bị cáo dùng tiền cướp được mua một điện thoại hơn 4 triệu đồng, một vài bộ quần áo; chuyển 60,6 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng đứng tên cô gái cho mình mượn xe. Tối 21/4, Cao về lại phòng trọ thì bị công an bắt.

anh-chup-man-hinh-2023-11-29-luc-160018-1701250025.png
Vụ cướp ngân hàng tại Đà Nẵng ngày 1/7

Vụ án thứ ba: Công an tỉnh Nghệ An cho biết, lúc 14h30 ngày 15/11, các đơn vị nghiệp vụ phối hợp Công an thị xã Cửa Lò, TP Vinh, và huyện Nghi Lộc, đã bắt Tuấn Anh, 28 tuổi, khi đang lẩn trốn ở xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - cách hiện trường gây án hơn 30 km.

Tuấn Anh là Phó giám đốc nhà máy chế biến gỗ ở huyện Nghi Xuân. Bước đầu, nghi phạm khai do nợ nần nên lên kế hoạch cướp tiền chi nhánh ngân hàng ở thị xã Cửa Lò để trả nợ. Cảnh sát thu giữ xe máy, dao, điện thoại di động của nghi can cùng một số tang vật liên quan.

Khoảng 15h30 ngày 14/11, nghi phạm mặc quần áo dài tay, đội mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang, mang túi tiến vào quầy riêng của nhân viên ngân hàng (lối này khách hàng không được đi). Anh ta sau đó lấy dao dí vào người nữ giao dịch viên. Một cán bộ đứng cách đó vài mét thấy sự việc đã đóng cửa, tri hô.

Tên cướp lập tức nhảy qua bàn giao dịch bỏ chạy, một số cán bộ và bảo vệ của ngân hàng đuổi theo. Ra đến cổng, hắn lên xe máy tẩu thoát. Ngân hàng cho biết tên cướp chưa lấy được tiền.

anh-chup-man-hinh-2023-11-29-luc-160030-1701250026.png
Vụ cướp ngân hàng tại Nghệ An ngày 15/11

Vụ án thứ tư: Ngày 2/11, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TPHCM quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Bích Tuyền (SN 2001, quê Bến Tre), Nguyễn Ngọc Mỹ (SN 1993, ngụ tỉnh Bình Dương) và Lâm Phúc Lợi (SN 2000, ngụ tỉnh Vĩnh Long) về hành vi cướp tài sản

Kết quả điều tra cho thấy, do nợ nần mất khả năng chi trả, Mỹ, Lợi và Tuyền đã tham gia hội “những người vỡ nợ muốn làm liều" làm quen nhau và lên kế hoạch cướp tài sản.

Đầu tháng 10/2023, cả 3 bàn bạc và cùng thống nhất kế hoạch đi cướp tài sản tại phòng giao dịch Nhị Xuân của ngân hàng thương mại Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

Để thực hiện hành vi, Mỹ, Lợi đặt mua 2 khẩu súng tự chế rồi đặt mua 1 xe máy, tự sơn lại thành màu đen để dùng làm phương tiện gây án. Cả nhóm thống nhất, phân công Tuyền thuê ô tô để hỗ trợ trong quá trình cướp ngân hàng và tẩu thoát.

Khoảng 8 giờ ngày 24/10, Tuyền lái ô tô chở Mỹ, còn Lợi chạy xe máy đến gần phòng giao dịch Nhị Xuân của ngân hàng Sacombank trên đường Nguyễn Văn Bứa để quan sát, chờ thời cơ thuận lợi. Đến 10 giờ 30 cùng ngày, Lợi và Mỹ chạy xe máy đến phòng giao dịch rồi sử dụng súng uy hiếp, khống chế nhân viên bảo vệ, nhân viên và khách hàng của ngân hàng. Lợi chạy vào quầy giao dịch uy hiếp nhân viên ngân hàng yêu cầu bỏ tiền vào ba lô đã chuẩn bị sẵn rồi cả 2 tháo chạy ra ngoài, lên xe máy tẩu thoát.

Khi đến gần trại cai nghiện Nhị Xuân, huyện Hóc Môn, Mỹ và Lợi dùng xăng đốt xe máy, quần áo, ba lô để xóa dấu vết rồi lên ô tô của Tuyền lẩn trốn nhiều điểm ở Quận 12, TPHCM. Chiều cùng ngày, các đối tượng di chuyển bằng taxi đến thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để gặp nhau rồi cùng chia tiền.

Vào cuộc điều tra, Công an TPHCM đã nhanh chóng bắt giữ các đối tượng, thu giữ nhiều tang vật và thu hồi hầu hết số tiền bọn chúng cướp được từ ngân hàng.

anh-chup-man-hinh-2023-11-29-luc-160108-1701250026.png
Vụ cướp ngân hàng tại TP.HCM ngày 2/11

Động cơ gây án đến từ đâu?

Nhìn chung, những hành vi cướp ngân hàng đều xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau, nhưng một số động cơ phổ biến thường đến từ: Những hoàn cảnh đang gặp khó khăn tài chính, không có nghề nghiệp, không có nguồn thu nhập ổn định hoặc làm ăn thua lỗ, nợ nần,…nên nảy sinh ý định làm liều cướp ngân hàng. Dù có thể các đối tượng cũng biết, từ trước tới giờ chưa có vụ cướp nào trót lọt cả.

Tăng cường công tác an ninh tại các ngân hàng

Có thể nói, ngân hàng là nơi tập trung, lưu trữ nhiều tiền bạc và luôn là mục tiêu “nhìn ngó” của tội phạm. Nhìn từ các vụ cướp ngân hàng đã xảy ra, có một điểm chung là các đối tượng cướp ngân hàng thường nắm bắt được quy luật hoạt động của ngân hàng, nên đã chọn đúng thời điểm các nhân viên kiểm đếm tiền để hành động.

Cùng với đó là sự manh động, liều lĩnh, hầu hết có hung khí để uy hiếp tính mạng nhân viên ngân hàng và khách hàng. Song song, nó cho thấy công tác an ninh ở các ngân hàng còn nhiều điểm bất cập: Nhân viên bảo vệ nghiệp vụ công việc chưa cao, chưa được trang bị các công cụ hỗ trợ cần thiết hoặc chưa biết cách xử lý trước các tình huống bất ngờ xảy ra nên thường bị động hoặc gặp nguy hiểm trước kẻ cướp.

Từ thực tiễn đó, gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm, liều lĩnh của tội phạm cướp ngân hàng, đồng thời cần phải nhìn lại công tác bảo vệ an ninh tại các điểm giao dịch. Theo đó, để đảm bảo công tác phòng ngừa tội phạm, trước tiên các ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, rà soát các quy trình nội bộ trong công tác tiền tệ kho quỹ, hệ thống các thiết bị an toàn gồm camera, hệ thống báo động… tại các hệ thống giao dịch của mình.

anh-chup-man-hinh-2023-11-29-luc-160701-1701250026.png
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, trong đó có tội phạm cướp ngân hàng

Cần rà soát, khắc phục ngay những hạn chế trong công tác bảo vệ, cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng thêm nghiệp vụ bảo vệ ngân hàng để đối phó hiệu quả các tình huống. Trong trường hợp các đối tượng có nhiều người, sử dụng vũ khí nguy hiểm như dao, súng, nếu điều kiện, hoàn cảnh không cho phép thì lực lượng bảo vệ và nhân viên có thể tạm thời thực hiện theo yêu cầu kẻ cướp, hạn chế đối đầu để giữ an toàn tối đa cho nhân viên và khách hàng trong phòng giao dịch, đồng thời tìm cách báo tin lập tức cho lực lượng Công an điều tra, truy xét...

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, trong đó có tội phạm cướp ngân hàng.

Thu Trang
Bạn đang đọc bài viết "Thấy gì từ những vụ cướp ngân hàng chấn động năm 2023?" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036