(Bài 2) Ninh Hiệp, Hà Nội: Tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn ở chợ vải lớn nhất miền Bắc

02/01/2019 10:00

Theo dõi trên

Với khẩu hiệu in khá rõ ràng trước cổng chợ: “ Quyết tâm xây dựng chợ Nành Ninh Hiệp, an toàn - văn minh - hiệu quả “ thế nhưng dường như khu chợ này không thực sự an toàn như chính khẩu hiệu của nó.

Chợ Ninh Hiệp được biết đến là khu chợ sầm uất nhất miền Bắc khiến nó luôn trở thành điểm nóng về an ninh trật tự. Bên cạnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bày bán tràn lan như trong bản tin “Hà Nội: Cần làm gì để chợ Ninh Hiệp văn minh, trật tự?” mà truyền hình Người Đưa Tin đã đưa thì công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chợ vẫn là nỗi lo của nhiều người.

Đến chợ Ninh Hiệp những ngày cuối năm, khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Người mua kẻ bán tập nập, hàng hóa tràn ngập trong các cửa hàng, trên vỉa hè, dưới đường đi...Có lẽ do sự đa dạng và giá thành hợp lý nên nhiều người mua sẵn sàng chen chân trong đám đông để chọn cho được món đồ ưng ý. Và cũng có lẽ do quá đông khách nên nhiều tiểu thương ở đây cũng quên mất việc phải tuân thủ quy định về PCCC.

4920445411620891539662753937225889229570048n

Bình chữa cháy bị "giấu" dưới nhiều lớp quần áo, vải vóc.

Theo quan sát, hàng trăm gian hàng với diện tích không lớn nhưng chất nhiều hàng hóa nằm san sát nhau. Rất khó để nhìn thấy những chiếc bình cứu hỏa. Ở những khu vực để bình cứu hỏa chính thì đã có những biển cấm, nhưng quần áo vẫn được chất đầy xung quanh. Chưa kể đến việc nhiều bình chữa cháy được “bày" trong các cửa hàng có dấu hiệu hết hạn.

494749653773664863446034859040482153463808n

Nhiều bình chữa cháy đã bị gỉ sét, cũ, không được bảo quản, bảo dưỡng theo quy định.

Theo Điều 15, Thông tư 52/2014/TT-BCA về Bảo quản, bảo dưỡng bình chữa cháy: Nếu bên ngoài thân bình bị gỉ sét, ăn mòn nhiều thì phải loại bỏ; Sau 5 năm (tính từ ngày sản xuất), bình chữa cháy phải được bảo dưỡng định kỳ.

Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm về phòng cháy chữa cháy có thể bị xử phạt đến 25.000.000 đồng (Điều 41, Nghị định 167/2013/NĐ-CP); phạt tù từ 7 - 12 năm (Bộ luật Hình sự 2017).

Hàng hóa thì dễ bắt lửa, bình chữa cháy thì cũ hỏng. PV còn ghi nhận được hình ảnh dù trước mặt là biển cấm hút thuốc nhưng một nam thanh niên lại vô tư hút thuốc trong chợ. Một số gian hàng còn có cả chỗ để nấu nướng trong một không gian chật hẹp, xung quanh là nhiều quần áo, vải vóc với giá trị lớn.

491019263900771982308477476753457710366720n

Bình chữa cháy có dấu hiệu hết hạn.

Với khẩu hiệu in khá rõ ràng trước cổng chợ: “Quyết tâm xây dựng chợ Nành Ninh Hiệp, an toàn - văn minh - hiệu quả “ thế nhưng dường như khu chợ này không thực sự an toàn như chính khẩu hiệu của nó.

Để đảm bảo an toàn về PCCC cho tiểu thương và khách thập phương, để Ninh Hiệp luôn là điểm đến an toàn, văn minh, thiết nghĩ UBND huyện Gia Lâm, lực lượng cảnh sát PCCC cần sớm vào cuộc để thanh tra toàn diện, xử lý, giải quyết triệt để tình trạng trên.

Truyền hình Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin đến quý vị và các bạn ở trong các bản tin sau.

Yến Trinh
Bạn đang đọc bài viết "(Bài 2) Ninh Hiệp, Hà Nội: Tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn ở chợ vải lớn nhất miền Bắc" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036