(Tập 3) 30 ngày “săn” băng nhóm móc túi: "Cất lưới"

27/04/2019 15:52

Theo dõi trên

Sau khi ghi hình đầy đủ hành vi của các đối tượng, nhóm phóng viên dự định tự tổ chức vây bắt nhóm móc túi. Tuy nhiên, qua xác minh, nhóm phóng viên phát hiện có đối tượng nhiễm HIV, có đối tượng có hàng chục tiền án tiền sự và rất manh động. Do đó, để an toàn, chúng tôi quyết định tìm đến số 7 Thiền Quang - trụ sở Phòng cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội mà không tìm đến CAQ Hai Bà Trưng hay CA phường Đồng Tâm.

Ý định ban đầu của nhóm phóng viên đã thay đổi bởi xác minh nhân thân các đối tượng rất phức tạp, nhiều tiền án tiền sự, thậm chí nhiễm HIV. Phóng viên lại không có nghiệp vụ như công an cũng như công cụ hỗ trợ. Do vậy, việc đề nghị Phòng hình sự vào cuộc nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối là cần thiết.

Mặt khác, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có đối tượng trong băng nhóm móc túi này từng bị công an bắt nhưng sau đó vẫn hoạt động trở lại, nên chúng tôi chưa thực sự tin tưởng vào cách xử lý của CA quận Hai Bà Trưng cũng như CA phường Đồng Tâm. Bởi nếu 2 đơn vị này xử lý được triệt để thì nhóm móc túi kia không có “đất diễn”, không có cơ hội hãm hại bao nhiêu người bệnh và người nghèo suốt thời gian qua.

Một khả năng khác chúng tôi tính đến, là có thể CA quận Hai Bà Trưng và CA phường Đồng Tâm gặp khó trong việc xác định hành vi, truy tìm chứng cứ, cũng như xác minh nạn nhân và mức độ thiệt hại, cộng thêm sự ma mãnh chối tội của các đối tượng.

bai 3 doi mat00053418still016

Những nạn nhân, đa số đều là những người nghèo, và tài sản họ mang theo, cũng là những đồng tiền gom góp để đi khám chữa bệnh.

Trong tố tụng, với tội danh cướp tài sản thì các cơ quan tố tụng chỉ cần căn cứ vào hành vi, chưa cần xác định mức độ thiệt hại, cũng đủ căn cứ xử án tù.

Tuy nhiên, với hành vi trộm cắp tài sản của nhóm móc túi, thì kể cả có chứng cứ hành vi trộm cắp, thì vẫn cần chứng minh được bị hại và mức độ tài sản bị thiệt hại, mới đủ căn cứ định tội.

Do vậy, nhóm phóng viên xác định không chỉ ghi hình và phản ánh đơn thuần, mà chia ra các mũi. Một nhóm tập trung ghi hình hành vi móc túi. Nhóm thứ hai đợi sẵn để trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn các bị hại, lấy thông tin ban đầu, đồng thời hướng dẫn các bị hại làm đơn trình báo đến cơ quan công an. Đây cũng là cách mà nhóm phóng viên giúp cơ quan CA dễ dàng tìm được bị hại và xác minh thiệt hại, là những căn cứ quan trọng, cần thiết để xử lý băng nhóm móc túi.

Sau khi thực hiện xong các bước trên, phóng viên đã tìm đến Phòng cảnh sát hình sự Hà Nội. Sau cuộc trao đổi ngắn, Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng Đội 5, Phòng CSHS Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng mật phục, theo dõi nhóm móc túi trong nhiều ngày sau đó.

Đến ngày thứ tư, khoảng 12h trưa ngày 23/4, tại điểm chờ xe buýt trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, khi các đối tượng áp sát vào “con mồi”, kẻ chèo kéo, kẻ ngồi trên xe sẵn sàng đưa đồng bọn tẩu thoát, còn ả đàn bà tiếp tục thực hiện hành vi xảo quyệt của mình, thì các trinh sát ập vào bắt giữ.

Phát hiện cảnh sát, các đối tượng lập tức lên xe lạng lách đánh võng với tốc độ cao nhằm bỏ chạy. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát hình sự  đã bắt giữ được 2 đối tượng. Lợi dụng đông người, 3 đối tượng còn lại đã nhanh chóng tẩu thoát.

bai 3 doi mat00052413still019

Kiểm tra tại chỗ, tổ công tác phát hiện trên người phụ nữ ngồi sau có hơn 5 triệu đồng cùng một lá bùa, một phiếu nộp tiền điện nước mang tên Nguyễn Văn Toàn.

Ngay sau đó, hai đối tượng đã được đưa về trụ sở Công an phường Đồng Tâm để lấy lời khai, làm rõ vụ việc.

Tại trụ sở Công an phường, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với những kẻ móc túi táng tận lương tâm. Những kẻ móc túi nói gì về hành vi hãm hại những người bệnh nghèo khổ? Mời quý vị và các bạn theo dõi phần sau, tập 4 có tên “Đối mặt”.

Yến Trinh
Bạn đang đọc bài viết "(Tập 3) 30 ngày “săn” băng nhóm móc túi: "Cất lưới"" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036