Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất cửa ngõ, có sự giao lưu và thu hút người dân khắp nơi đến để làm ăn sinh sống. Theo dòng di dân, ĐCTT Nam Bộ đến đất Bà Rịa – Vũng Tàu và phát triển như một tất yếu. Theo số liệu khảo sát toàn tỉnh có 59 Câu lạc bộ (CLB) và Nhóm ĐCTT với hàng trăm nghệ nhân và có rất nhiều người yêu thích và có thể ca hát vài bài ĐCTT tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Các CLB của tỉnh luôn dành được huy chương trong các kỳ liên hoan, cho thấy lực lượng nghệ nhân ĐCTT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khá mạnh.
Bà Rịa - Vũng Tài cũng là một trong 21 tỉnh, thành có lưu giữ nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá (UNESCO) của Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 05/12/2013.
"Quá trình hội nhập và chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội, cùng với những thách thức của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã làm nảy sinh các mối đe doạ về sự suy thoái, biến mất, huỷ hoại hoặc làm biến dạng các di sản văn hoá phi vật thể trong đó có nghệ thuật ĐCTT, đó cũng là sự lo lắng của đông đảo nghệ nhân ĐCTT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chính vì vậy cần có sự quan tâm từ phía Lãnh đạo sở ban ngành của tỉnh và cả các CLB ĐCTT" - Nghệ nhân Nguyễn Phú Thiện chia sẻ.
Ngày 18/12/2018, UBND Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 3597/QĐ-UBND phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo nghệ nhân thuộc các CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Hằng năm đúng vào dịp giỗ tổ ngành sân khấu (Ngày 12/08 Âm lịch), Trung tâm Văn hoá tỉnh phối hợp với các CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh tổ chức lễ tri ân tổ nghiệp, đồng thời cũng là dịp để đông đảo nghệ nhân, các câu lạc bộ ĐCTT, các Sở ban ngành đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, từ đó rút kinh nghiệm đoàn kết chung sức cùng nhau xây dựng bộ môn nghệ thuật ĐCTT và ngành sân khấu tỉnh nhà hội nhập và phát triển bền vững.