Bình Thuận: Chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

01/09/2023 23:19

Theo dõi trên

Vừa qua Sở Khoa học công nghệ tỉnh Bình Thuận phối hợp với chuyên gia chuyển đổi số quốc gia Phạm Anh Quân, Cục sở hữu trí tuệ, đã tổ chức hội nghị Thúc đẩy phát triển thị trường và thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long và chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm và hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2021 -2025 định hướng đến năm 2030.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nhóm giải pháp áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào việc thúc đẩy phát triển thị trường và thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Một trong nhóm giải pháp được hội nghị đặc biệt quan tâm ưu tiên triển khai sớm để phát triển thị trường và thương hiệu cho quả Thanh long và nhãn hiệu nước mắm phan thiết nói riêng, sản phẩm nông nghiệp nói chung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu  là thúc đẩy chuyển đổi số về truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý sản phẩm, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, xuất khẩu trực tiếp, đưa sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng, hạn chế hiện trạng phổ biến bị thương lái ép giá.

z4654424576282-a795d0cb62de89b0173914378bb4fb32-1693533702.jpg
Các đại biểu tham dự chương trình

Giải pháp truy xuất nguồn gốc là giải pháp cho phép người tiêu dùng cũng như các bên liên quan truy tìm lịch sử các thông tin về quy trình sản xuất, chế biến, phân phối và cho đến khi sản phẩm đến được tay người tiêu dùng, giải pháp được ứng dụng xuyên suốt chuỗi giá trị và có thể ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau như QR code, OCR, Data matrix, GS1, RFID. Theo chuyên gia Phạm Anh Quân ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một mảnh ghép trong hệ sinh thái chuyển đổi số của các doanh nghiệp là cơ hội đổi mới thương mại bền vững và hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam.

Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận thường xuyên phối hợp với các chuyên gia chuyển đổi số Quốc gia, Cục sở hữu trí tuệ,cùng với các Hiệp hội, ngành nghề trong tỉnh tuyên truyền hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Hoài Trung Phó Giám Đốc Sở khoa học và Công nghệ cho biết, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp đang là vấn đề then chốt trong việc phát triển cũng như đẩy mạnh sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Sở Khoa học công nghệ cũng đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ để ứng dụng nền tảng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc giúp các doanh nghiệp bảo hộ chất lượng sản phẩm của mình trên thị trường.

z4654424563597-0c2bd12423d50ddccf1f15b75580a283-1693533702.jpg
Các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nhóm giải pháp áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào việc thúc đẩy phát triển thị trường và thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp

Đại diện các Hiệp hội và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức rằng việc thực hiện chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển thương hiệu.

Ông Trần Trọng Thái Giám đốc thương mại Công ty sản xuất nước mắm thương mại Thuận Hưng Phan Thiết mong muốn các sở ban ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ tổ chức những buổi hội thảo,   chia sẻ tập huấn cho doanh nghiệp hiểu thêm về lợi ích của chuyển đổi số để áp dụng nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất.

Thành Vinh - Kiên Cường

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036