Truyền hình Người đưa tin pháp luật đã đăng bài viết “Cầu ngàn tỷ vừa đi vừa .. sợ”, nêu vấn đề cầu Tình Húc ở TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang có mức đầu tư 852 tỷ đồng vừa cắt băng khánh thành và thông xe trong tình trạng bị nứt, phải tự tổ chức sửa chữa khiến người dân hết sức lo lắng.
Cả Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng công trình giao thông là đơn vị kiểm định, thử tải cầu cầu Tình Húc đã phát hiện những vết nứt trên nhiều trụ cầu như: T1, T2, T7, T8, T11 và T12.
Báo cáo kết quả kiểm tra ngoại quan kết cấu phần dưới của đơn vị tư vấn đã chỉ rõ vết nứt được phát triển có quy luật và đối xứng qua tim trụ cầu. Đối với xà mũ các trụ T1 và T12 phần nhịp dầm dẫn xuất hiện vết nứt thẳng đứng tại vị trí giữa dầm từ số 2 đến số 6.
Độ mở rộng vết nứt đo được từ 0.06 mm đến khoảng gần 0.2 mm, chiều dài vết nứt bằng chiều cao xà mũ phần chiều cao không thay đổi. Đối với xà mũ các trụ T2 và T11 xuất hiện 2 vết nứt đối xứng nhau qua tim trụ, bề rộng vết nứt qua đánh giá khoảng gần 0.2 mm, chiều dài vết nứt bằng chiều cao xà mũ phần chiều cao không thay đổi.
Các vết nứt xảy ra trong điều kiện cầu chưa đưa vào sử dụng, khi cây cầu được thông xe với lưu lượng lớn ô tô, xe máy thì các trụ cầu được “bó bột” này sẽ hỏng hóc đến mức nào.
Trước tình trạng trên, tháng 9/2020 Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang đã thuê Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam – Chi nhánh phía Bắc để thẩm tra hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh trụ T1, T2, T7, T8, T11 và T12 của cầu Tình Húc.
Doanh nghiệp này đã chỉ ra nguyên nhân do kết cấu thân trụ có bề rộng nhỏ để giảm kinh phí đầu tư và tăng độ mỹ quan của công trình dẫn đến làm tăng ứng suất kéo trong cốt thép gần đạt ứng suất kéo cho phép của thép. Ứng suất kéo này gây nên độ mở rộng vết nứt của mặt cắt xà mũ gần sát với độ mở rộng cho phép. Nguyên nhân thứ hai xuất hiện một số vết nứt cục bộ tại xà mũ trụ là do thiết kế kết cấu có độ dự trữ an toàn nhỏ, độ mở rộng của vết nứt gần bằng độ mở rộng cho phép của tiêu chuẩn.
Việc làm sai thiết kế này một phần để giảm kinh phí đầu tư và tăng độ mỹ quan của công trình. Nguyên nhân này hoàn toàn do lỗi chủ quan của đơn vị thiết kế, đơn vị thẩm định thiết kế và chủ đầu tư. Với phương án sửa chữa mang tính đối phó thì không thể đảm bảo chất lượng của cây cầu.
Ngày 12/1/2021, PV truyền hình Người đưa tin pháp luật có mặt tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông của tỉnh Tuyên Quang để làm rõ những vấn đề có liên quan. Tuy nhiên lãnh đạo đơn vị này viện nhiều lý do để né tránh cung cấp thông tin.
Tại hiện trường phóng viên nhận thấy vào thời điểm ngày 12/1/2020, tất cả các trụ cầu đã hoàn thành việc “bó bột”, sơn lại và không còn nhìn thấy các vết nứt. Việc sửa chữa được tiến hành với tiến độ rất nhanh để che mắt dư luận.
Việc một cây cầu có giá trị cả ngàn tỷ đồng, vừa sử dụng đã hư hỏng khiến nhân dân rất bất bình và lo sợ. Đề nghị Bộ xây dựng, Bộ giao thông vận tải, các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh kiểm tra quá trình thiết kế, thi công và thanh quyết toán công trình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm. Đề nghị thuê tư vấn độc lập kiểm định lại chất lượng công trình và thông báo công khai kết quả trên thông tin đại chúng để nhân dân yên tâm mỗi khi qua cây cầu.
Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc ở bài sau.
Thông Đà nẵng
15:10 20/02/2021
Cứ thuê giám định nước vào cuộc thò biết liền ko cần nói nhiều nhức đầu.Chắc cũng giống như cao tốc Đà nẵng_ Quảng ngãi thôi.Cái này chắc do thời tiết mưa nhiều quá đó ạ!
Nguyễn văn Thắng
17:29 19/02/2021
Lên thanh tra và xem xét kỹ chất lượng của cây cầu rồi hãy cho lưu thông phương tiện
Binhhaduy
15:17 19/02/2021
Tôi đồng tình với quan điểm người viết, bộ Xây dựng cần thanh tra để đánh giá chính xác chất lượng cây cầu, không để Dân mất lòng tin về chất lượng cây cầu.