Công tác quản lý đất đai và đặc trưng phát triển làng nghề: (Bài 2) Luật Đất đai 2024 mở đường cho nông nghiệp công nghệ cao, đa mục đích

07/10/2024 15:28

Theo dõi trên

Luật đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 cho phép sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích. Vì vậy, việc xây dựng các quy định chi tiết cho từng loại đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của cơ quan chức năng, mà còn là yếu tố quyết định sự thành công, gia tăng hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp.

Hướng mở cho nông nghiệp đa mục đích 

Theo Khoản 1, Điều 218 Luật Đất đai 2024 quy định, có nhiều loại đất được sử dụng kết hợp đa mục đích, trong đó đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Điều này giúp tối ưu hóa giá trị đất đai, tạo đà phát triển cho nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt. Người sử dụng đất không được làm thay đổi loại đất đã xác định, không gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và hệ sinh thái tự nhiên...

Để hướng dẫn cụ thể việc sử dụng đất đa mục đích, ngày 30-7-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024. Theo đó, các phương án sử dụng đất phải được cơ quan chức năng phê duyệt, nhằm bảo đảm tính minh bạch và kiểm soát tốt việc khai thác tài nguyên đất đai.

0424c001-14a8-4625-9e69-49193c48f88b-1728067947.jfif
Mô hình nhà kính được nhiều địa phương sử dụng nhằm phát triển nông nghiệp cao

Anh Tự Ngọc Huỳnh (người dân làng hoa Tây Tựu) chia sẻ: “Tôi có trồng cây hoa đồng tiền, vì đặc thù của cây hoa đồng tiền là không chịu được mưa được nắng nên tôi có làm giàn tre để che mưa che nắng cho cây và tôi có nuôi thêm một đàn gà và trồng vài cây bưởi, thu nhập của gia đình tôi đều dựa vào cây hoa vào những con vật nuôi ngoài này.

“Hiện tại mục đích sử dụng đất của tôi vẫn là đúng mục đích nông nghiệp, giả sử Nhà nước có thu hồi đất thì chúng tôi xin cam kết tháo dỡ toàn bộ trả lại mặt bằng đúng như yêu cầu của Nhà nước”.

Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Văn Bình cho rằng, việc cho phép sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững ở các vùng nông thôn. Điều quan trọng, không chỉ tạo nguồn thu nhập mới, mà còn bảo vệ cảnh quan tự nhiên và duy trì văn hóa địa phương.

Thúc đẩy sự phát triển bền vững

Theo Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ, để việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Việc lập phương án sử dụng đất cần được thực hiện kỹ lưỡng, bao gồm đánh giá tác động môi trường, kinh tế và xã hội. Chính quyền địa phương cần xây dựng quy định chi tiết để hỗ trợ người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp thực hiện đúng theo luật.

Chị Nguyễn Thị Yến (người dân làng hoa Tây Tựu) chia sẻ: “Chúng tôi ở làng hoa Tây Tựu này là diện tích không đủ, phải đi thuê ruộng trên Đan Phượng, Hạ Mỗ và ở một số địa phương lân cận. Tất cả các cấp chính quyền trên đấy cũng tạo điều kiện cho bà con đi thuê ruộng được làm kho lạnh, được lợp lán, và có thể bê tông trải đến tận ruộng, điện, nước để phục vụ nông nghiệp làm sao cho nó thuận lợi, phát triển nhất.

Những năm gần đây thực sự là mật độ dân cư trong làng rất là đông đúc gây tắc nghẽn nên chúng tôi làm ra ở ngoài đường Trung Tựu này dựng một số kho lạnh để phục vụ sản xuất.”

5fd30747-16a8-4158-99ff-da5a9e35fdbd-1728067947.jfif
Lều lán tạm bợ và kho lạnh mà người dân làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu dựng lên nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp cao

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải, việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích là một bước tiến cần thiết, nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng trong quy hoạch. Chúng ta cần đặt lợi ích môi trường lên hàng đầu khi triển khai các dự án sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích. Nếu quản lý tốt, sẽ tạo ra cú hích cho kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ.

Chị Nguyễn Thị Yến (người dân làng hoa Tây Tựu) chia sẻ: “Kho lạnh chúng tôi làm thì phải phục vụ chính cho địa bàn làng hoa vì nếu chúng tôi trồng lúa chúng tôi không cần kho lạnh nhưng đây là chuyển đổi, chúng tôi làm ra hoa chúng tôi cần kho lạnh. Kho lạnh thứ nhất là ươm củ giống ly - cây kinh tế rất cao làm rất nhiều tiền và củ giống ly là nhập từ nước ngoài phải có kho lạnh để ươm mầm. Cái thứ hai nữa là hoa cắt về không kịp vụ chúng tôi phải bỏ vào giữ được nguồn lợi nhuận làm ra hoa, có kho lạnh bảo quản hoa thì nó tươi không bị thiệt hại đến kinh tế. Thứ ba là khi có kho lạnh nó có điện nên chúng tôi phải làm lán, lán hầu như chúng tôi làm tre nứa tạm thời để che kho lạnh và lấy chỗ làm hàng về, tập kết hoa về, có lán che nắng che mưa, để điện không bị giật ảnh hưởng thiệt hại đến con người, bảo quan hoa có chỗ mát để bà con thu hoạch ở vườn về ngồi bớ hoa không bị mưa”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích mang lại nhiều lợi ích cho người dân, xong cũng đặt ra thách thức trong việc quản lý. Các địa phương cần phải giám sát kỹ lưỡng, bảo đảm các công trình xây dựng và sử dụng đất phù hợp với quy hoạch và cam kết pháp lý.

Chị Trần Thị Thư (người dân làng hoa Tây Tựu) cho hay: “Bởi vì ở trong đường làng tắc đường ngõ nhỏ, ra đây nhà tôi dựng kho lạnh để bảo quản hoa vì hoa trong quá trình cắt về phải ngâm dưỡng bảo quản trong kho lạnh để chờ thời gian mới mang bán. Nếu không có kho lạnh thì hoa của tôi để ngoài trời sẽ bị hỏng phải bỏ đi”.

ed68ed38-bc22-4037-8244-6a88d2028962-1728067947.jfif
Anh Tự Ngọc Huỳnh (người dân làng hoa Tây Tựu) kết hợp mô hình vừa trồng hoa vừa chăn nuôi thêm gia cầm để tăng thêm thu nhập

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cũng khẳng định, theo Luật Đất đai 2024, người dân có thể sử dụng đất nông nghiệp cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, với điều kiện không quá 50% diện tích đất được sử dụng vào mục đích khác và chỉ được xây dựng các công trình dễ tháo dỡ. Đây là bước tiến lớn, tháo gỡ nhiều rào cản trước đây trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp cao (nhà màng, nhà kính, nhà lưới hay nhà sơ chế, đóng gói, giới thiệu sản phẩm). Việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp tại các khu vực này mang lại giá trị kinh tế cao, giúp giải quyết việc làm, tạo ra nguồn cung ứng sản phẩm sạch, an toàn cho thị trường.

Anh Nguyễn Thiện Trọng (người dân làng hoa Tây Tựu) chia sẻ: “Mong chính quyền phường làm sao là tạo điều kiện cho làng hoa Tây Tựu này có một nơi chốn nào đó để bà con yên tâm sản xuất để phục vụ cho nông nghiệp làng hoa chúng tôi,…. Mong chính quyền phường chiếu cố cho bọn tôi để bọn tôi có chút gì đó để phục vụ cho làng nghề chúng tôi”.

Ông Nguyễn Khắc Thưởng cho biết: “Nguyện vọng của tôi là làm hoa phải có kho lạnh và lán để hoa thì bà con mới sản xuất được, mong các cấp chính quyền tạo điều kiện cho người dân Tây Tựu chúng tôi có một cái kho lạnh và cái lán để hoa cho thuận tiện trời mưa gió”.

Trong sản xuất nông nghiệp thì người nông dân chính là trung tâm cốt lõi nhất. Luật Đất đai 2024 cũng đã có những định hướng mở để tạo những cơ chế thuận lợi nhất cho người nông dân, đặc biệt là việc phát triển mô hình nông nghiệp cao theo hướng đa mục đích. Do đó, công tác quản lý về đất đai, xây dựng cũng cần có sự thay đổi, thích nghi phù hợp tình hình mới để hỗ trợ tốt nhất cho người nông dân. Cần tránh tuyệt đối tư duy sợ trách nhiệm, ngại đổi mới sáng tạo mà xử lý cứng nhắc, vô tình triệt tiêu kế sinh nhai của người nông dân, hạn chế sự phát triển của một làng nghề trứ danh đất Thủ đô. 

(Còn tiếp)

T/h: Hà Nội mới, Người đưa tin

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036