“Lùm xùm” chợ Thái Hà - Đống Đa: Doanh nghiệp “bất tuân” Quận “, Quận vẫn “cưng chiều”? (Bài 5)

29/08/2018 15:14

Theo dõi trên

Tăng giá chợ, tiếp đó là đóng cửa chợ đều là những thay đổi có ảnh hưởng lớn đến các tiểu thương, và buộc phải có sự chấp thuận của cơ quan thẩm quyền, ở đây là UBND quận Đống Đa. Doanh nghiệp vô tư thực hiện dù không có sự chấp thuận của UBND quận. Trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND quận ở đâu?

Thời gian qua, Truyền hình Người đưa tin đã đăng tải loạt bài liên quan chợ Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội đề cập mâu thuẫn giữa đơn vị quản lý chợ và hàng trăm tiểu thương về vấn đề tăng giá tiền thuê chỗ ngồi tại chợ, vi phạm nghiêm trọng về PCCC và quyết định đóng cửa chợ vào tháng 8 vừa rồi.

Theo lời lãnh đạo Công ty CP xây dựng dân dụng Hà Nội, việc của Công ty là đóng cửa chợ để thực hiện yêu cầu về PCCC, còn trách nhiệm tìm địa điểm mới, chẳng hạn chợ tạm, là của UBND quận Đống Đa. Trong khi phía Công ty không hề có đề xuất phương án nào lên Quận, mà lại tính chuyện “ăn sẵn”, đợi Quận “chạy theo” xử lý hậu quả cho mình, thì đúng là chuyện ngược đời.

sequence 0100051800still003

Hơn hai trăm tiểu thương tại chợ Thái Hà không biết sẽ đi đâu nếu Công ty đóng cửa chợ

Theo Quyết định số 440/QĐ-UBND, ngày 11/2/2011 của UBND quận Đống Đa về việc công nhận doanh nghiệp quản lý kinh doanh khai thác chợ Thái Hà tại quận Đống Đa, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị quản lý.

Tại Điểm a, Khoản 3 Điều 2 của Quyết định này, Công ty phải “chấp hành các quy định pháp luật về phát triển và quản lý chợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, Công ty đã có những vi phạm nghiêm trọng về công tác PCCC, dẫn đến nhiều lần  bị cảnh sát PCCC nhắc nhở, và gần đây nhất là quyết định đình chỉ chợ vì PCCC không đảm bảo.

Cũng tại Điểm a, Công ty phải “đảm bảo ổn định hoạt động kinh doanh của các tổ chức cá nhân đang kinh doanh tại chợ Thái Hà, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương”. Và hiện tại, từ hậu quả do chính mình gây ra, thì phía Công ty đổ lên đầu người dân, bằng cách đóng cửa chợ. Chẳng lẽ đây là văn hoá kinh doanh của Công ty CP đầu tư dân dụng Hà Nội?

sequence 0100050009still001

Quyết định 440 của UBND Quận Đống Đa

Về pháp luật thuế, theo xác nhận của lãnh đạo doanh nghiệp thì cũng mới nộp thuế gần đây. Điều đó thể hiện các năm trước, Công ty không chấp hành pháp luật thuế một cách đầy đủ, nghiêm túc.

Theo Điều 3 của Quyết định 440, UBND quận Đống Đa cũng khẳng định, nếu Công ty CP đầu tư dân dụng Hà Nội không thực hiện trách nhiệm của mình thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về quản lý và phát triển chợ, quy định khác của pháp luật có liên quan. Và như đã dẫn chứng ở trên, với vi phạm nghiêm trọng về PCCC dẫn đến bị đình chỉ hoạt động chợ, vi phạm về pháp luật thuế, v.v… thì UBND quận Đống Đa cần thực hiện nghiêm túc những gì đã quy định trong văn bản, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, cũng như đảm bảo rằng lãnh đạo quận Đống Đa nói được làm được.

Một điều quan trọng khác, cũng tại Điều 3 Quyết định 440 của UBND quận Đống Đa: “Mọi sự thay đổi của doanh nghiệp có ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động tại chợ Thái Hà đều phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật”.

sequence 0100025300still002

Một trong những nội dung của quyết định 440, yêu cầu đảm bảo đời sống cho bà con tiểu thương tại chợ

Tăng giá chợ, tiếp đó là đóng cửa chợ đều là những thay đổi có ảnh hưởng lớn đến các tiểu thương, và buộc phải có sự chấp thuận của cơ quan thẩm quyền, ở đây là UBND quận Đống Đa. Doanh nghiệp vô tư thực hiện dù không có sự chấp thuận của UBND quận. Trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND quận ở đâu?

Với những gì doanh nghiệp quản lý chợ đang làm, có thể nói doanh nghiệp coi những chỉ đạo của quận Đống Đa chỉ là những văn bản mang tính hình thức. Điều này không chỉ thể hiện sự coi thường của doanh nghiệp với “mệnh lệnh” của UBND quận Đống Đa nói riêng, mà còn là sự coi thường các quy định của pháp luật nói chung.

Phía UBND quận Đống Đa không có những văn bản thể hiện phản ứng mạnh mẽ, dứt khoát khi doanh nghiệp vi phạm Quyết định 440. Nhiều tiểu thương cho rằng, phía Quận có dấu hiệu “cưng chiều” Công ty CP đầu tư dân dụng Hà Nội, bất chấp có nhiều vi phạm, bất chấp việc không chấp hành nghiêm Quyết định 440 của UBND quận Đống Đa. Đây dường như là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp “bất tuân mệnh lệnh” của UBND quận Đống Đa suốt thời gian qua. Truyền hình Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

 

Vũ Thuỳ Dương

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036