Cuộc hội ngộ đầy xúc động của các nhà giáo đi B Quảng Trị trong tháng 4 lịch sử

24/04/2025 16:50

Theo dõi trên

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày theo tiếng gọi của Đảng và Cách mạng miền Nam, những thầy cô giáo từ các tỉnh phía Bắc đã tình nguyện vào Quảng Trị thực hiện sứ mệnh “trồng người” nơi tuyến lửa. Ngày 20/4 vừa qua, tại Hà Nội, Đoàn nhà giáo, chiến sĩ đi B Quảng Trị đã tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 53 năm ngày các nhà giáo lên đường vào chiến trường Quảng Trị.

Từ sáng sớm, những nhà giáo từng đi B Quảng Trị năm xưa, mang theo hành trang là tri thức và lý tưởng cách mạng đã tề tựu. Có người còn sống, có người đã khuất, có người mãi nằm lại nơi chiến trường. Họ cùng nhau ôn lại những ký ức không thể nào quên về một thời thanh xuân đầy lý tưởng, gian khó mà vinh quang.

z6537237617323-b789637642970bd7212dc201e3377ade-1745482312.jpg
z6537237822924-85d8e6c8955bef989d4ec5c54ef6011c-1745482312.jpg
Buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 53 năm ngày các nhà giáo lên đường vào chiến trường Quảng Trị

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Yên - Trưởng Ban liên lạc Đoàn nhà giáo, chiến sĩ đi B Quảng Trị, xúc động nhắc lại cột mốc quan trọng vào năm 1972 khi theo lời kêu gọi của Đảng và Cách mạng miền Nam, hơn 700 thầy cô giáo trẻ từ nhiều tỉnh thành phía bắc như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tây, Thái Nguyên,… đã tình nguyện vào Quảng Trị.

Thời điểm đó với sức trẻ và sự nhiệt huyết, nhiều thầy cô giáo đang ở độ tuổi mười chín đôi mươi đã tạm biệt gia đình với mong muốn, đây không chỉ là hành trình truyền lửa, dạy chữ, mà là biểu tượng của lý tưởng cao đẹp, tình đoàn kết 3 miền Bắc - Trung - Nam khi mang ánh sáng tri thức đến vùng đất vừa giải phóng vẫn còn ngổn ngang nhiều vết tích của chiến tranh.

z6537237543050-d0f7bb297dcec3ea02beb9a40680930d-1745482312.jpg
z6537237463267-32df80959b98d84baccdf2ad561cac87-1745482311.jpg
Những nhà giáo từng đi B Quảng Trị năm xưa, mang theo hành trang là tri thức và lý tưởng cách mạng đã tề tựu sau 53 năm

Theo GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cách đây 53 năm, sau chiến dịch giải phóng Quảng Trị, chính quyền cách mạng xác định giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu.

z6537237145740-95df5252cb3134529fe68b7427d24300-1745482311.jpg
GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT)
z6537237672673-3722387d0e2f4fe2fd20bb870f011c3c-1745482312.jpg
Bà Nguyễn Thị Yên - Trưởng Ban liên lạc Đoàn nhà giáo, chiến sĩ đi B Quảng Trị (bên phải), nhận lẵng hoa từ Bộ GD&ĐT

Theo Phó Cục trưởng, trước yêu cầu cấp bách, tỉnh Quảng Trị vừa huy động lực lượng giáo viên tại chỗ, vừa mở các lớp đào tạo sư phạm cấp tốc nên đã đề xuất Trung ương chi viện nhân lực giáo viên cùng những thiết bị, điều kiện cần thiết phục vụ cho ngành giáo dục.

Do vừa bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên thời điểm đó điều kiện về kinh tế cũng như cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của tỉnh Quảng Trị còn rất nhiều khó khăn nhưng hơn 700 giáo viên từ miền Bắc vào Quảng Trị đã không ngại khó khăn, nguy hiểm cùng nhân dân địa phương dựng lớp học mái tranh vách lá để vừa dạy học, bổ túc văn hóa cho cán bộ, xóa mù chữ và phát triển hệ thống giáo dục phổ thông vừa tăng gia sản xuất.

z6537237763371-2ceb0b7938394a045c5a01075f435976-1745482311.jpg
z6537237091707-91969f8f235657dcc19b6f8de33b6677-1745482311.jpg
Những năm tháng đầy khó khăn và tự hào của những nhà giáo đi B Quảng Trị

Tại buổi lễ, nhiều câu chuyện xúc động được nhắc lại, như tấm gương thầy Nguyễn Văn Bưu (Hà Nội) anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giáo dục, hay những thầy cô mang thương tật suốt đời do bom đạn chiến tranh để lại. Dẫu vậy, ký ức về những năm tháng sống và cống hiến nơi mảnh đất khốc liệt ấy vẫn là niềm tự hào lớn lao với mỗi người.

z6537237402821-e12f791ef7e60cf8d8d043cf325e7fd2-1745482311.jpg
z6537237348216-e1cf98d1594500ae393fb11452ff945f-1745482311.jpg
Các thầy cô xúc động khi ôn lại kỷ niệm về những năm tháng cống hiến trên vùng "đất lửa" Quảng Trị 

Ghi nhận những đóng góp và hy sinh to lớn của đoàn nhà giáo đi B đối với sự nghiệp giáo dục tỉnh Quảng Trị, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc, đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô giáo năm xưa.

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, chia sẻ: “Hôm nay, trong không khí hào hùng khi cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Thủ đô Hà Nội, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào khi được tham dự lễ kỷ niệm 53 năm ngày các nhà giáo, chiến sĩ giáo dục từ các tỉnh phía Bắc vào công tác tại Quảng Trị.

Năm 1972, sau khi Quảng Trị vừa được giải phóng, vùng đất này vẫn còn ngổn ngang vết tích chiến tranh, bom đạn cày xới, điều kiện giáo dục vô cùng khó khăn. Trong bối cảnh ấy, hàng trăm thầy cô giáo từ miền Bắc đã gác lại hạnh phúc riêng, không quản gian khổ, tình nguyện lên đường vào Quảng Trị. Các thầy cô đã góp công lớn trong việc dựng lại trường lớp, tổ chức dạy học, mang tri thức, lý tưởng cách mạng đến với học sinh nơi đây".

z6537237201648-ff49e4c848dfda327c3b6f0f40ce342b-1745482311.jpg
Bà Lê Thị Hương - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị

"Chính những người thầy, người cô năm xưa đã đặt nền móng cho một nền giáo dục Quảng Trị sau ngày giải phóng một nền móng vững chắc để thế hệ hôm nay tiếp nối và phát triển. Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ công lao ấy và nỗ lực hết mình để thực hiện tốt sứ mệnh giáo dục trên quê hương Quảng Trị, xứng đáng với sự hy sinh, gửi gắm và kỳ vọng của các thế hệ nhà giáo đi trước”, bà Hương chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhằm ghi nhận những đóng góp và tri ân sự hi sinh của đoàn nhà giáo đi B Quảng Trị trong sự nghiệp “trồng người”, Ông Nguyễn Xuân Phương - Phó Chủ tịch kiêm thư ký Trung ương Hội Cựu Giáo chức Việt Nam khẳng định, Hội luôn sẵn sàng phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất để đoàn nhà giáo hoàn thiện các thủ tục để nhà nước xem xét có hình thức ghi nhận công lao xứng đáng cho đoàn nhà giáo: “Hiện nay, Trung ương Hội CCBVN đang phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình Bộ trưởng xem xét việc có hình thức ghi nhận xứng đáng đối với gần 4.000 nhà giáo đã được điều động vào miền Nam trong giai đoạn 1961 - 1975. Đây là một hành động tri ân cụ thể, cần thiết và rất có ý nghĩa, nhằm khẳng định, tôn vinh những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, những người vừa cầm bút, vừa cầm súng vì độc lập dân tộc”.

z6537237280259-45e13d4ceaae7c4ce2d3b4754a1011e4-1745482312.jpg
UBND và Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị gửi lẵng hoa chúc mừng
z6537239305198-dc1e3fbd0e0476b793e8ff62ca033f20-1745482311.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Yến - Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Võ, đơn vị đồng hành cùng Đoàn nhà giáo đi B Quảng Trị gửi lẵng hoa chúc mừng

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Những năm tháng cầm phấn, cầm bút trên vùng đất Quảng Trị bom đạn vẫn như còn in đậm trong ký ức của những người thầy, người cô đi B năm xưa. Trải qua những thời khắc khốc liệt và gian khó nhất của sự nghiệp “trồng người”, nay họ đều đã bước sang tuổi hơn bảy mươi, mái tóc đã điểm bạc, nhưng trong ánh mắt vẫn sáng ngời tình yêu nghề, lòng tận tụy với sự nghiệp giáo dục.

z6537236978113-bffdd30b9c0dba7c2ad54c6a49fd5443-1745482312.jpg
z6537237036386-b26075d78ab5bae836321eb9535efb22-1745482312.jpg

Chia sẻ với phóng viên, nhiều nhà giáo đi B không giấu được niềm xúc động khi chứng kiến sự quan tâm ngày càng lớn của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục. Họ bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục giành thêm sự quan tâm thiết thực hơn nữa cho những người đã đặt nền móng cho nền giáo dục Quảng Trị sau chiến tranh. Bởi đó không chỉ là sự tri ân đối với thế hệ nhà giáo đi trước, mà còn là nguồn động viên to lớn, là ngọn lửa truyền cảm hứng cho các thế hệ giáo viên và học sinh hôm nay và mai sau.

Quốc Long - Phong Hào
Bạn đang đọc bài viết "Cuộc hội ngộ đầy xúc động của các nhà giáo đi B Quảng Trị trong tháng 4 lịch sử" tại chuyên mục Người tốt việc tốt. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036