Tham dự chương trình có Cô Vũ Thị Nhung - Phó Hiệu trưởng Hệ thống Marie Curie; cô Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Marie Curie Văn Phú - Hà Nội, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội cùng hơn 100 luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và các giáo viên, học sinh nhà trường
Chương trình tổ chức gồm 3 phiên tòa giả định với các nội dung tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, an ninh mạng và phòng chống bạo lực học đường.


Các Luật sư đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã thực hiện diễn án gắn với các tình huống thiết thực, qua đó học sinh nhà trường hiểu thêm về hoạt động, vai trò, chức trách của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Đồng thời, các em học sinh cũng được tuyên truyền, giáo dục pháp luật, từ đó giúp phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn và hạn chế tình trạng bạo lực học đường, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn giao thông…
Sau mỗi phiên tòa giả định, các luật sư cũng dành thời gian tương tác với các em học sinh và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình.


Em Nguyễn Hương Thảo - Học sinh lớp 11M4 chia sẻ: “Việc nhà trường phối hợp cùng với Đoàn Luật sư Hà Nội tổ chức tuyên truyền về bạo lực học đường hôm nay đã giúp chúng em nhận thức được rõ hơn hậu quả nặng nề mà hành vi bạo lực học đường có thể gây ra. Nó không chỉ dừng lại ở những tổn thương về thể chất hay tinh thần, mà còn có thể kéo theo trách nhiệm pháp lý, thậm chí liên quan đến cả dân sự và hình sự. Đây cũng là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ để chúng em hiểu rằng mình tuyệt đối không nên vướng vào những hành vi sai trái như vậy, đồng thời phải chủ động tuyên truyền để phòng tránh bạo lực học đường. Em tin rằng, không chỉ riêng em mà tất cả các bạn học sinh trong trường hôm nay đều rất hứng thú và ấn tượng với phiên tòa giả định”.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, cô Trần Hồng Hà - Bí thư Đoàn trường THCS & THPT Marie Curie cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng sự phối hợp giữa Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội với Ban Giám hiệu nhà trường, cùng các thầy cô giáo, đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh. Thông qua các phiên tòa giả định mô phỏng phiên xét xử thực tế, học sinh không chỉ được tiếp cận với kiến thức pháp luật một cách sinh động, mà còn có thêm những trải nghiệm thực tế giúp các em hiểu rõ hơn về hành vi, hậu quả và những kết cục có thể xảy ra nếu vi phạm pháp luật.
Những phiên tòa như thế này không chỉ giúp các em học sinh nắm bắt kiến thức pháp lý, mà còn là bài học về lòng vị tha, sự bao dung và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng và xã hội. Đây chính là những ví dụ trực quan và sinh động, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho học sinh một cách thiết thực và hiệu quả”.

Được biết, đối tượng học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước, là đối tượng được Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội dành nhiều sự quan tâm để thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: “Đoàn Luật sư thành phố chúng tôi, trên cơ sở các kế hoạch của thành phố, đã tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho tất cả các đối tượng trên địa bàn. Trong đó, một trong những nhóm đối tượng mà chúng tôi quan tâm nhiều nhất chính là các em học sinh ở khối trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Đây là nhóm đối tượng chiếm số lượng rất lớn trên địa bàn thành phố. Như chúng ta đã biết, đối với thành phố Hà Nội, số lượng các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông lên đến khoảng trên dưới 2.000 trường. Chính vì vậy, số lượng học sinh cũng rất đông.
Nếu chúng ta tổ chức tuyên truyền, phối hợp với các nhà trường để triển khai công tác phổ biến pháp luật kết hợp với các hình thức phong phú, gắn với các hoạt động ngoại khóa của các em học sinh, thì đây sẽ là một trong những kênh thông tin rất hiệu quả mà chúng ta có thể triển khai”.


Trong một vài năm gần đây, hình thức tuyên truyền pháp luật cho học sinh thông qua việc tổ chức “phiên toà giả định” đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây là cách làm sáng tạo, dễ hiểu, dễ nhớ, mang lại hiệu quả giáo dục cao, giúp phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn trong xã hội và các tệ nạn xâm nhập vào học đường, hình thành ý thức, thói quen “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” cho học sinh.