Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Đan Phượng, TP Hà Nội căn cứ các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn, mức độ rủi ro thiên tai theo quy định, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Thọ An đã xây dựng phương án phòng, chống lũ. Với phương châm phòng là chính, thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, hậu cần, nhân lực, vật tư tại chỗ) dựa vào sức dân.
Trên địa bàn xã Thọ An, khu vực cụm 12 hiện đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nước sông Hồng ngày càng dân cao. Chính vì thế ngay từ chiều ngày 10/09 chính quyền xã Thọ An đã tổ chức rà soát huy động lực lượng hỗ trợ giúp đỡ bà con nhân dân bảo vệ, di dời tài sản, tuyên truyền vận động người dân chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời với mưa lũ.
Ông Lê Huy Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ An cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã cũng đã lên phương án chủ động rà soát đối với những hộ gia đình trong cụm 12 ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt.
Với phương châm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân, chúng tôi cũng đã cho rà soát di chuyển đối với các hộ gia đình, các đàn vật nuôi ở các khu vực nguy hiểm có khả năng sạt lở. Để đảm bảo tốt việc phòng chống lụt bão chúng tôi cũng đã huy động các lực lượng xung kích, các tổ dân quân nhằm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ”.
Ông Hoàng Văn Thưởng - Phó Chủ tịch HĐND xã Thọ An thông tin: “Đây là trận lũ lịch sử tại cụm 12 xã Thọ An, thực hiện chỉ đạo của Thường trực huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đan Phượng, Đảng ủy HĐND, UBND xã Thọ An đã vào cuộc ngay từ buổi chiều ngày 10/09, di dời, sơ tán người dân vào nơi an toàn.
Chúng tôi đã di dời được 80 hộ dân, hoạt động không nghỉ suốt đêm, đến sáng hôm nay chúng tôi tiếp tục đưa người vào hỗ trợ người dân di dời đồ đạc và tài sản có nằm trong khu vực nguy hiểm”.
Anh Nguyễn Văn Hiệu, người dân cụm 12 xã Thọ An chia sẻ: “Tất cả lực lượng của xã Thọ An rất là nhiệt tình đến với bà con chăm sóc, hỏi han rất chu đáo, người dân chúng tôi rất cảm ơn, mong sao qua khỏi cái hoạn nạn này”.
Chị Lê Thị Hà, nhân viên Thú y xã Thọ An: “Cảm ơn ban chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp đã hỗ trợ di dời gia súc gia cầm và đồ vật của người dân để đến hiện tại số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn đã di dời được 80 90%”.
Ngay khi mực nước sông Hồng chạm ngưỡng báo động 1, chính quyền địa phương đã phản ứng kịp thời đưa ra các phương án nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nhằm đáp ứng kịp thời, yêu cầu ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra trên địa bàn, bảo đảm an toàn người, tài sản của nhà nước và nhân dân, hạn chế thiệt hại mức thấp nhất có thể xảy ra.