Hai vấn đề PV đặt lịch làm việc với CATP Lào Cai là: Một là, tìm hiểu công tác phòng chống tội phạm môi trường trên địa bàn; Hai là, tìm hiểu việc CATP đề nghị UBND TP thu hồi, hủy “sổ đỏ” đã cấp trái phép cho một số cá nhân trên diện tích đất công Nhà nước quản lý, thuộc địa bàn phường Cốc Lếu.
Phóng viên đã đến đặt lịch làm việc với CATP Lào Cai với đầy đủ giấy tờ như yêu cầu nhưng vẫn bị từ chối làm việc. |
Về phương diện tác nghiệp, PV Truyền hình Người Đưa Tin đã rất tuân thủ quy định pháp luật khi tác nghiệp, xuất trình đầy đủ giấy tờ theo luật. PV cũng rất cầu thị khi vượt đường xa để 3 lần liên hệ làm việc với CATP Lào Cai nhằm có thông tin khách quan, chính xác nhất gửi đến bạn đọc. Quá trình tiếp xúc với CATP Lào Cai, PV luôn nhã nhặn, lịch sự, tôn trọng từ những chiến sỹ trực ban.
Về phía CATP Lào Cai, PV 3 lần đến xin đặt lịch và tiếp xúc khoảng 3-4 cán bộ, chưa kể các cán bộ trực ban. Điểm chung của các cán bộ này là hay nói về các quy định của pháp luật, nhưng bản thân lại không hiểu luật. Các cán bộ này hạch hoẹ và đe PV rằng muốn ghi âm, chụp ảnh gì phải được họ cho phép. Họ quên rằng họ đang ngồi ở phòng “Trực ban - Tiếp dân” - một nơi làm việc công khai, không có biển cấm quay phim, chụp ảnh và bất kỳ công dân nào cũng có quyền quay phim, ghi hình giám sát công tác tiếp dân của họ. Đó là còn chưa nói báo chí còn có thêm nhiều quy định khác về quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm theo Luật Báo chí.
Trung tá Sơn từ chối làm việc với báo chí với lý do là "theo luật báo chí" |
Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Thế nhưng, các cán bộ này không hiểu rằng, khi họ khoác lên mình bộ quân phục là họ đang thi hành công vụ, đang đại diện cho cả một tổ chức, đơn vị và không thể áp dụng Điều 32 Bộ luật dân sự được.
Trở lại với vụ việc của Trung tá Hoàng Văn Sơn - Đội trưởng Đội tham mưu CATP Lào Cai, sau khi Truyền hình Người Đưa Tin đăng tải phóng sự, dư luận đã tỏ ra rất bức xúc. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một người thiếu hiểu biết pháp luật như vậy lại có thể công tác trong một cơ quan hành pháp quan trọng như CATP Lào Cai? Trong nhiều ý kiến phản hồi trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi ông Sơn với trình độ và cách ứng xử như vậy, lại đang đeo quân hàm Trung tá.
Tuy hiểu biết pháp luật hạn chế, Trung tá Sơn lại được giao một “chiếc ghế” với trọng trách vô cùng quan trọng, đó là Đội trưởng Đội tham mưu - Tổng hợp CATP Lào Cai. Chọn một cán bộ thiếu hiểu biết pháp luật làm nhiệm vụ tham mưu cho cả một cơ quan hành pháp, thực sự là một mối nguy hiểm tiềm tàng với cả chỉ huy CATP phố Lào Cai và với cả nhân dân.
Về tư cách đạo đức: Trung tá Sơn đang công tác trong một cơ quan pháp luật, lại tự ý bịa đặt ra cả các điều luật, bịa đặt các quy định của UBND tỉnh Lào Cai, mà chính người phát ngôn công an tỉnh và đại diện các ban ngành chức năng khác đã khẳng định điều Trung tá Sơn nói là không đúng.
Gian dối, thiếu trung thực! Vậy, Trung tá Sơn có xứng đáng với tư cách đạo đức người công an nhân dân hay không?
Nhà báo Trần Quang Khởi đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai. |
Đa số ý kiến dư luận đều cho rằng, Trung tá Sơn với trình độ hiểu biết pháp luật cũng như tư cách đạo đức như vậy mà ngồi vị trí Đội trưởng tham mưu CATP Lào Cai có lẽ là bị nhầm vị trí.
Thông tin mới nhất, nhà báo Trần Quang Khởi đã có đơn tố cáo gửi Giám đốc CA tỉnh Lào Cai, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Giám đốc Sở TTTT tỉnh Lào Cai đề nghị xử lý ông Sơn theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 167 Bộ luật hình sự.