Giữa năm 2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3663/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường từ đê sông Đuống đi đường Dốc Lã - Ninh Hiệp và đoạn nối đường Hà Huy Tập, tỷ lệ 1/500 tại huyện Gia Lâm. Ngày 10/12/2018, huyện Gia Lâm ra Thông báo thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường quy hoạch 24,5m từ đê sông Đuống đến đường Dốc Lã – Ninh Hiệp”.
Ngỡ rằng đường xá được mở rộng sẽ khiến người dân vui mừng, nhưng ngược lại, bà con tá hoả đi tìm hiểu thông tin và đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi đến xã, phường, thành phố để chỉ ra những bất cập của dự án này, mà theo bà con là có thể gây lãng phí tài sản Nhà nước và gây xáo trộn cuộc sống của nhân dân. Người dân ủng hộ đường lối, chủ trương của thành phố, huyện, xã trong việc đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế của địa phương.
|
Tuy nhiên, người dân cho rằng họ không được tiếp cận thông tin, hồ sơ, tài liệu nào về dự án ngoài một số mốc sơn do bộ phận đo vẽ đánh dấu trên mặt đường. Điều này đã hạn chế đóng góp của người dân vào công tác quy hoạch tuyến đường. Người dân cũng chỉ ra những điểm chưa hợp lý, gây lãng phí quỹ đất, lãng phí tài chính Nhà nước, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Thứ nhất, đường Đình Xuyên được Nhà nước đầu tư nhiều tỉ đồng, thi công và mới đưa vào sử dụng được gần 1 năm, nay theo dự án mới sẽ bị phá một phần hoặc toàn phần, hạ tầng bị phá vỡ, tổn thất lớn cho ngân sách Nhà nước. Con đường 24,5m trùm lên đường Đình Xuyên mới được đầu tư vừa tạo khúc cua, làm đường Đình Xuyên bị cong, đồng thời tạo nút thắt cổ chai ở vị trí nối với đường 7m chưa triển khai, khiến nhà dân thò cả ra đường, không hợp mỹ quan và mất ATGT.
Thứ hai, hàng loạt nhà dân bị liên đới phá dỡ thu hồi là không cần thiết và không đáng có. Bởi bên khu dân cư nhiều nhà đã xây dựng kiên cố, ổn định. Còn bên kia đường là cả dãy đất trống, bỏ hoang hoá nhiều năm. Nếu nắn tim đường lệch về phía khu vực đất trống sẽ không phải đền bù công trình trên đất, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, dân đỡ thiệt hại.
Thứ ba, người dân khi làm nhà đã chủ động lùi sâu vào trong khoảng 5m so với “sổ đỏ” để dự phòng trường hợp mở đường. Đường Đình Xuyên hiện tại mới đầu tư, lòng đường rộng 7m, vỉa hè khoảng 2m, nếu làm đường 24,5m thì chỉ cần giữ nguyên đường vừa làm, lấy thêm vào nhà dân khoảng 5m, đồng thời làm mới một làn đường bên kia chủ yếu chạy qua khu vực đất trống, vừa hợp lý, tiết kiệm, người dân đồng thuận cao.
Thứ tư, việc lấy sâu vào các công trình của dân sẽ làm uốn cong con đường 24,5m, đồng thời phá vỡ kết cấu chịu lực. Đang lo ngại là khu vực này có rất nhiều toà nhà cao tầng, có nhà bị thu hồi gần 50%, thì độ an toàn của các công trình giảm đáng kể, thiệt hại kinh tế không nhỏ. Trong khi đó, chỉ lấy vào nhà dân khoảng 5m, còn lại lấy sang khu vực đất trống đối diện vừa uốn thẳng con đường, vừa giảm thiệt hại kinh tế và giữ an toàn cho các công trình của người dân.
Nếu dự án được thực hiện, những ngôi nhà được xây kiên cố và đã lùi vào 5m sẽ bị cắt thêm vài mét vào nhà, phá hỏng kết cấu xây dựng. |
Người dân mong muốn lãnh đạo TP Hà Nội cũng như UBND huyện Gia Lâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời tiến hành điều tra, khảo sát thực tế và cho người dân quyền được đóng góp ý kiến, để dự án triển khai vừa phục vụ lợi ích chính đáng của người dân, vừa giảm thiểu thiệt hại tài sản của dân cũng như tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.
Dư luận địa phương có ý kiến cho rằng, ở khu vực đất trống đối diện khu dân cư có một số doanh nghiệp có lợi ích gắn với các khu “đất vàng” này khi đường 24,5m được thực hiện. Đây có thể là yếu tố tác động dẫn đến đường bị uốn cong vào khu dân cư thay vì chạy thẳng qua khu đất trống.
Theo nguồn tin của Truyền hình Người Đưa Tin, chính quyền địa phương sau khi nhận kiến nghị của người dân đã khẩn trương tiến hành họp, tiếp xúc, ghi nhận và trao đổi với người dân về các nội dung liên quan.
Những doanh nghiệp nào có lợi ích liên quan đến các khu vực đất trống mà đường 24,5m đã “né” chạy qua? Chúng tôi sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để làm rõ và thông tin đến quý vị và các bạn.