Từ chối cấp “sổ đỏ” thiếu thuyết phục
Như đã phản ánh ở bài trước, tại tổ dân phố số 18, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội có gần 200 hộ gia đình đang sinh sống ổn định, lâu dài, không có tranh chấp và đóng thuế theo quy định của pháp luật. Ranh giới, mốc giới , các quyền sử dụng đất đã được phân định rõ ràng, tạo thành khu vực làng xóm chỉnh trang, đã được đánh số nhà. Thế nhưng ông Phạm Hồng Thắng - Trưởng phòng TN&MT quận Nam Từ Liêm lại ký thông báo với nhiều lý do như: đất giao trái thẩm quyền, đất vào quy hoạch dự án,v.v…để từ chối cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân. Trong số gần 200 hồ sơ xin cấp “sổ đỏ”, việc Quận Nam Từ Liêm xác định và từ chối cấp sổ các trường hợp lấn chiếm là phù hợp. Nhưng việc đánh đồng một số hộ lấn chiếm với những hộ dân khác sử dụng đất hợp pháp là vô lý.
Thứ nhất: Phòng TN&MT quận Nam Từ Liêm lấy lý do đất thuộc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ban hành sau thời điểm người dân sử dụng đất để làm căn cứ từ chối cấp GCNQSDĐ, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Người dân cho biết: “Tôi thấy văn bản trả lời của phòng TN&MT là không hợp lý. Thứ nhất là ở lâu, thứ hai là đất không có tranh chấp, người dân chúng tôi đã sinh sống ổn định thì tất nhiên là phải giúp đỡ chúng tôi để làm sổ đỏ, không những tôi làm tất cả mọi người đều mong muốn ổn định chỗ ở”.
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Thị Thùy Dương cho biết: “Quy hoạch hành lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi sông Nhuệ được phê duyệt chỉ giới ngày 08/10/2014 theo Quyết định số 5168/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Việc sử dụng đất của Khu dân cư ngõ 129 Đại Linh, Trung Văn có trước (trước ngày 15/10/1993), quy hoạch có sau nên không có cơ sở để xác định người dân lấn chiếm hành lang an toàn công trình thủy lợi sông Nhuệ”.
Thứ hai: Nhiều trường hợp bị chối cấp GCNQSDĐ với lý do thuộc quy hoạch Dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại Lộ Thăng Long. Dự án này đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất của UBND quận Nam Từ Liêm từ năm 2017. Đến nay đã bước sang năm thứ 4 nhưng chưa được triển khai, chưa có thông báo quyết định thu hồi đất.
Điều 49 Luật đất đai năm 2013 quy định: Trường hợp có quy hoạch sử dụng đất mà chưa có kế hoạch sử dụng đất thì chủ sử dụng đất không bị hạn chế bất kỳ quyền nào theo quy định pháp luật. Trường hợp có kế hoạch sử dụng đất của UBND cấp huyện thì người dân trong khu vực vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất, trong đó có quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, về kết quả, Phòng TN&MT cũng đã làm đúng theo quy định của pháp luật, là có thông báo đến từng hộ gia đình về nội dung có được cấp hay không được cấp GCNQSDĐ và lý do vì sao? Tuy nhiên, một số người dân vẫn chưa đồng thuận, chưa hài lòng về câu trả lời trên.
Người dân cho biết: "Tôi đọc thấy dẫn rất nhiều điều luật. Đất nhà tôi thì được chia làm hai phần, phần trước và sau năm 1993. Phòng TNMT cũng đã giải thích rõ phần nào được cấp, phần nào không được cấp và giải thích rõ vì sao. Nhưng từ đó tôi cũng không thấy bên Phường, Quận giải thích cho chúng tôi biết làm thế nào để hoàn chỉnh hồ sơ, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân".
Sau “một cửa’ là…“ngõ cụt”?
Để nghiên cứu tìm hiểu, làm rõ những mâu thuẫn trên, ngày 15/9, PV Truyền hình Người đưa tin pháp luật đã liên hệ làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm. Tại đây, UBND quận cũng khẳng định thời gian cung cấp cho cơ quan báo chí là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của báo chí theo quy định. Nhưng đến nay đã hơn 2 tháng, sau rất nhiều lần PV liên hệ, UBND quận Nam Từ Liêm vẫn né tránh việc cung cấp thông tin.
Tóm lại, đối với các hộ dân lấn chiếm đất đai, UBND quận Nam Từ Liêm từ chối cấp “sổ đỏ” là đúng. Nhưng việc đánh đồng và quy chụp cho nhiều hộ dân khác với những lý do không thuyết phục, thậm chí trái quy định pháp luật hiện hành, là biểu hiện phức tạp hóa thủ tục hành chính. UBND quận Nam Từ Liêm cần chỉ đạo các phòng chuyên môn xem xét lại và hướng dẫn cho các hộ dân một cách cụ thể để người dân phối hợp và thực hiện tốt công tác cấp GCNQSDĐ, tránh gây khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Những yêu cầu chính đáng, phù hợp pháp luật của người dân cần được giải quyết sớm. Đừng để người dân có cảm giác phía sau cánh cửa “Bộ phận một cửa” của quận Nam Từ Liêm là một ngõ cụt, cùng sự bức xúc.